Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương trong tỉnh Bắc Giang triển khai hiệu quả với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu xóa nghèo cho hộ người có công.
Từ ngày có sạp bán trái cây, gia đình ông Phạm Văn Thời (sinh năm 1952, hộ người có công thuộc diện cận nghèo ở thôn Trấn Thành, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên) có tiền để trang trải cuộc sống. Ông Thời là thương binh hạng 2/4. Vợ và con trai ông đều bị bệnh, sức khỏe yếu, chỉ làm được những công việc nhẹ nhàng. Cả gia đình trông chờ vào khoản trợ cấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng của ông.
Thực hiện kế hoạch xóa nghèo, cận nghèo cho hộ người có công, UBND xã Quang Tiến đã xây dựng kế hoạch giúp đỡ gia đình ông Thời có thêm thu nhập. Từ hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền khoảng 15 triệu đồng, gia đình ông đã mở sạp bán hàng trái cây. Đến cuối năm 2022, với thu nhập ổn định, gia đình ông Thời được ra khỏi danh sách hộ cận nghèo. Ông Thời cho biết, thu nhập từ sạp bán trái cây khoảng 100 nghìn đồng/ngày, cộng với số tiền trợ cấp hàng tháng đã giúp gia đình ông bớt khó khăn, các con tiếp tục được đến trường.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, áp dụng chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh Bắc Giang có 180 hộ nghèo, cận nghèo là người có công với cách mạng, trong đó có 44 hộ nghèo và 136 hộ cận nghèo. Đầu năm 2022, UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo người có công thoát nghèo; trong đó xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, địa phương và đề ra các giải pháp thực hiện.
Thực hiện kế hoạch, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã rà soát và căn cứ vào các chỉ tiêu thiếu hụt cụ thể của từng hộ, các địa phương có cách hỗ trợ cụ thể, phù hợp. Bằng nhiều hình thức vận động, quyên góp của các tổ chức, đoàn thể, nội lực của các hộ gia đình, toàn tỉnh đã có 113 hộ nghèo, cận nghèo người có công được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, 62 hộ được hỗ trợ về nước sạch và vệ sinh môi trường, 33 hộ được hỗ trợ về tiếp cận thông tin, 40 hộ được hỗ trợ nhà ở, 39 hộ được hỗ trợ về y tế, 15 hộ được hỗ trợ về giáo dục, 23 hộ được hỗ trợ về thu nhập.
Điển hình, tại huyện Lạng Giang, qua rà soát, toàn huyện có 14 hộ nghèo, cận nghèo là người có công. Huyện đã huy động hỗ trợ sửa chữa nhà ở, công trình phụ cho 9 hộ; hỗ trợ kinh phí khám chữa bệnh cho 4 hộ; hỗ trợ trợ giúp xã hội cho 1 hộ. Đến nay 14 hộ gia đình đã được công nhận thoát nghèo.
Huyện Sơn Động có số hộ nghèo, cận nghèo người có công nhiều nhất tỉnh đã thực hiện ký kết chương trình hỗ trợ, giúp đỡ các hộ người có công thoát nghèo trong năm 2022 với 15 đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả, huyện đã hỗ trợ xây nhà ở cho 14 hộ; hỗ trợ xây nhà tắm, nhà vệ sinh cho 53 hộ; hỗ trợ sửa chữa nhà ở, xây nhà bếp cho 25 hộ; tặng máy cày cho một hộ; một hộ nhận xe ba bánh và 10 hộ nhận máy lọc nước; 26 hộ được nhận sổ tiết kiệm; một hộ được trợ giúp xã hội. Cùng với đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo người có công còn nhận được phần quà ý nghĩa của Hội Chữ thập đỏ tỉnh thông qua hoạt động hỗ trợ theo địa chỉ (1 triệu đồng/tháng).
Để hạn chế tối đa tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang Trương Đức Huấn cho biết, sau khi các hộ thoát nghèo, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương quan tâm thường xuyên để có những biện pháp giúp đỡ ngay nếu có nguy cơ tái nghèo; triển khai các biện pháp nhằm nâng cao mức sống cho người có công. Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt, đầy đủ các chính sách chăm sóc gia đình người có công; triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho hộ người có công để cải thiện các tiêu chí, chỉ số thiếu hụt chủ yếu theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.
Đồng Thúy