Ngày 18/3/2022, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã tổ chức Hội thảo tham vấn Hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế đã cùng thảo luận, đóng góp ý kiến để xây dựng hướng dẫn thực hiện nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo…
Tại Hội thảo, ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện, hoạt động triển khai Chương trình giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Chương trình giảm nghèo quốc gia mới có rất nhiều thay đổi được thể hiện từ cách thiết kế cho đến mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và nội dung của dự án. Chương trình mới đi theo định hướng hỗ trợ cho người nghèo, cộng đồng nghèo theo hướng đa chiều, dưới nhiều khía cạch khác nhau, đặc biệt, theo hai chiều chính là nâng cao thu nhập và hỗ trợ những thiếu hụt cơ bản. Chương trình cũng thực hiện mục tiêu bao trùm là phát triển bền vững, tiến tới xóa nghèo trong cộng đồng. Đây cũng là mục tiêu mới, tiếp tục duy trì và có những biện pháp triển khai hiệu quả làm thế nào để người nghèo được hỗ trợ thông qua các chương trình của Nhà nước mà có thể thoát nghèo bền vững, không chỉ thoát nghèo theo chuẩn. Đã hình thành các dự án về đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình dự án giảm nghèo; bổ sung dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp cho đồng bào nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, bổ sung dự án mới cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo, hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo…
Các đại biểu cũng đã thống nhất một số nguyên tắc chung, nhất là với các dự án liên quan đến phát triển sinh kế, tạo thu nhập cho đồng bào. Các Chương trình mục tiêu quốc gia cần bảo đảm tính bổ trợ lẫn nhau theo chuỗi giá trị, tạo đặc thù cho các dự án nông nghiệp, xác định được người nghèo cần hỗ trợ những gì để đáp ứng cho hợp lý và phù hợp, tránh chồng chéo các cơ chế chính sách, tạo thuận lợi về thủ tục hỗ trợ cho người dân và quy định rõ các cấp có thẩm quyền giải quyết,... Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện dự án; đa dạng sinh kế, mô hình giảm nghèo để các dự án, mô hình được triển khai trơn tru, mang lại hiệu quả cao cho đối tượng được hưởng lợi, đảm bảo các mục tiêu chung xóa đói giảm nghèo bền vững…
Hoàng Tâm