Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cách trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước hơn 120 km về phía Đông Bắc, nơi được mệnh danh là “lá phổi xanh vùng đất đỏ Đông Nam Bộ”. Tuy vậy, rất ít ai biết nơi đây lại có Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thực hiện công việc giải cứu động vật quý hiếm như: Voọc chà vá chân đen, vượn đen má vàng, lu li nhỏ, trăn mốc, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ… trở về với thiên nhiên.
Trung tâm có diện tích gần 10 ha, trong đó, khu nuôi nhốt với nhiều loài bò sát, lông vũ, thú ăn thịt, tê tê, linh trưởng đang sống trong chuồng được rào bằng thép B40. Bên cạnh đó, nơi đây còn có nguồn dự trữ thức ăn phong phú với hơn 2 ha trồng các loại cây trái như: ổi, mận, chuối, mít, khu trồng cỏ… cùng hàng trăm cây thuốc như đinh lăng, mật gấu, cam thảo… làm những bài thuốc góp phần chữa trị vết thương cho các động vật hoang dã quý hiếm, giúp chúng hồi phục trở về với hoang dã.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật chia sẻ: “Tôi làm công việc cứu hộ ở đây đã nhiều năm. Nhiều động vật hoang dã đã trở về với thiên nhiên hoang dã sau khi được chăm sóc dinh dưỡng, phòng, điều trị bệnh hoặc thực hiện các bước tập luyện phục hồi bản năng hoang dã cho những cá thể đã bị thuần hóa trong quá trình nuôi nhốt. Về tại đây, hầu hết những con vật bị nuôi nhốt là tang vật của những vụ săn bắt và mua bán trái phép mà cơ quan chức năng thu giữ được. Ngoài ra, những cá thể động vật quý hiếm được người dân hiến tặng nhưng lại mất bản năng sinh tồn khi trở lại tự nhiên, cần phải phục hồi bản năng hoang dã”.
Đến với khu chuồng nuôi nhốt, khi có người xuất hiện, những động vật hoang dã nơi đây lập tức xao động, gầm hú. Một phần nguyên nhân là do chúng sợ con người, nhưng cũng có nguyên nhân là nhiều động vật đã quen được con người cho ăn. Thấy anh Nguyễn Mạnh Hùng cầm trên tay giỏ mận, những chú khỉ đuôi lợn nhanh nhẹn thò tay qua lưới B40 để xin thức ăn. “ Tại khu nuôi nhốt nhóm linh trưởng, loài voọc chà vá, khỉ mặt đỏ thường nhạy bén lắm. Khi có người khách lạ vào gần chuồng, chúng kêu to để đề phòng, canh chừng nguy hiểm xảy ra. Có con nhảy nhót lên cột cao, có con thò tay ra như muốn xin thứ gì đó”, anh Hùng nói.
Những động vật trong khu nuôi nhốt được Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật chăm sóc dinh dưỡng, phòng, điều trị bệnh hoặc thực hiện các bước tập luyện phục hồi bản năng hoang dã do đã bị thuần hóa trong quá trình nuôi nhốt của người dân nhiều năm. Sau khi hoàn thành các bước cứu hộ, Trung tâm phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tái thả về rừng, đồng thời phân công người theo dõi tình trạng thích nghi với môi trường sống của động vật mới thả.
Trung tâm chỉ có 5 người thường xuyên làm việc từ các khâu tiếp nhận, chăm sóc, tái thả… nên gặp không ít khó khăn. Cán bộ ở đây phải thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, vệ sinh chuồng trại bằng thuốc sát khuẩn, chăm sóc vườn cây trái và cho các loại vật ăn uống để nhanh chóng phục hồi bản năng hoang dã. Tuy công việc nhiều nhưng việc chăm sóc, hồi phục được sức khỏe của các loài động vật quý hiếm đã mang lại niềm vui cho những cán bộ nơi đây.
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Trần Văn Trưởng cho biết: “Từ năm 2016, chúng tôi đã tiếp nhận một số các loài động vật do các lực lượng chức năng, người dân khu vực tỉnh Bình Phước cũng như Đông Nam Bộ bàn giao để tái thả về rừng. Động vật nào chưa được tập luyện đủ, chưa có khả năng thích nghi với môi trường rừng, chúng tôi giữ lại để tiếp tục chăm sóc. Thời gian tới, Trung tâm vẫn phải khắc phục sự thiếu thốn về cơ sở vật chất để tiếp nhận những động vật do người dân bẫy bắt, nuôi nhốt trái phép mà lực lượng chức năng thu giữ bàn giao cho Trung tâm để thực hiện các bước cứu hộ, đưa thả chúng về môi trường tự nhiên”.
Từ khi thành lập năm 2016 đến tháng 3/2020, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật tiếp nhận 104 cá thể động vật hoang dã và thả về rừng 85 cá thể như các loài thuộc nhóm IB: Vượn đen má vàng, cu li nhỏ, voọc chà vá chân đen, mèo cá, gà lôi trắng... Số cá thể còn lại đang được Trung tâm chăm sóc phục hồi bản năng hoang dã để đủ điều kiện thả về môi trường tự nhiên.
Ngoài cứu hộ, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập không ngừng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã. Nhờ đó, thời gian qua, nhiều cá nhân trực tiếp liên hệ với Vườn để bàn giao nhiều động vật quý hiếm.
Giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập Vương Đức Hòa cho biết: “Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thực hiện nhiệm vụ cứu hộ những loài động vật quý hiếm mà các tổ chức, cá nhân chuyển đến. Sau khi cứu hộ và phục hồi bản năng của động vật, chúng tôi tiến hành kiểm tra sức khỏe, nếu đủ điều kiện sẽ tái thả về với thiên nhiên. Từ khi cứu hộ đến khi thả về với thiên nhiên sẽ rất mất rất nhiều thời gian. Một con vượn đã được nuôi lâu năm phải mất từ 6 tháng tới 1 năm để huấn luyện cho nó ăn được thức ăn hoang dã”.
Trong những năm qua, nhiều cá nhân, đơn vị đã tìm đến Trung tâm để giao nộp nhiều loài động vật quý hiếm. Nhờ đó, nhiều nguồn gen quý hiếm đã được bảo tồn. Hiện, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có rộng gần 26.000 ha nên hệ động, thực vật rừng rất đa dạng phong phú. Đây là nơi bảo tồn nhiều hệ động, thực vật hoang dã, nguồn dược liệu quý hiếm (724 loài thực vật, 278 giống cây dược liệu, 437 loài động vật hoang dã), lưu giữ nhiều nguồn gen quý hiếm của các hệ động, thực vật này.
K GỬI H