Cuộc sống mới trên lòng hồ Sông Đà

Cuộc sống mới trên lòng hồ Sông Đà
Là một trong những bản phải chuyển đến nơi ở mới từ khá sớm, khi lòng hồ Thủy điện Sơn La tích nước (từ tháng 10/2005), ban đầu người dân bản Co Trặm, xã Chiềng Bằng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thích nghi với môi trường sống, do quỹ đất sản xuất nông nghiệp hạn hẹp, cũng như không còn các nguồn lợi thủy sản từ lòng hồ. Năm 2010, được sự hỗ trợ từ Nhà nước, một số hộ dân trong bản đã nuôi thử cá lồng trên mặt nước lòng hồ và đã cho kết quả khả quan đạt trung bình 8 tạ cá/lồng. 

Ông Lò Văn Khặn, một trong những hộ đầu tiên nuôi thử nghiệm cá lồng trên lòng hồ sông Đà nhớ lại: "Những năm đầu tiến hành nuôi thử, chúng tôi chọn giống cá trắm vì loại cá này dễ thích nghi với môi trường nước trong lòng hồ. Đợt ấy, lồng cá được làm bằng tre, gỗ với chiều dài 4m, rộng 3m, sâu 1,5m. Khoảng 1 đến 2 lứa đầu tiên, cá chưa quen với môi trường nước, sau đó, cá cũng bắt đầu thích nghi và cho hiệu quả, trung bình, sau khi trừ chi phí còn thu về được từ 16 triệu đến 17 triệu đồng/lồng." 

Thấy việc nuôi cá trên lòng hồ cho kết quả khả quan, năm 2012, Hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng được thành lập với 18 thành viên tiến hành nuôi các loại cá như trắm, chép, nheo, lăng, trê… và lồng cá được làm bằng sắt thép. Sau gần 4 năm hoạt động, đến nay, hợp tác xã đã có 46 xã viên với 280 lồng cá. Ngoài ra, để tận dụng triệt để diện tích mặt nước vùng lòng hồ, Hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng còn nuôi vịt trời với khoảng 1.200 con. Thu nhập hiện nay của các xã viên trong hợp tác xã đã đạt từ 80 triệu đến 100 triệu đồng/người/năm. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Anh Lò Văn Hặc, thành viên Hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng cho biết, nhà anh bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2012, tuy nhiên khi chưa vào hợp tác xã thì việc bán cá rất chậm. Thông thường, gia đình anh phải tự mang ra chợ bán hoặc đổ cho các thương lái nên thu nhập rất bấp bênh. Tuy nhiên, năm 2014 sau khi vào Hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng, anh Hặc đã không phải lo đầu ra cho sản phẩm như trước nữa, mà chỉ tập trung nuôi sao cho đạt năng suất và chất lượng cao nhất. So với trước kia ở quê cũ chỉ dựa vào việc đánh bắt cá trên lòng hồ và trồng ngô, trồng lúa thì thu nhập từ nuôi cá cao gấp 2 đến 3 lần. 

Bản Co Trặm có 56 hộ thì có tới 36 hộ nuôi cá lồng. Ngoài Hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng đã được thành lập từ lâu và có uy tín trên thị trường, thì trong bản mới thành lập thêm Hợp tác xã thủy sản Hoa Ban từ tháng 4/2016 với 9 thành viên. Tuy mới thành lập, nhưng hầu hết các xã viên trong hợp tác xã đã có thâm niên nuôi cá trên lòng hồ từ lâu. Hiện nay, hợp tác xã đã có 39 lồng cá nuôi đầy đủ các loại cá trăm, nheo, lăng… với sản lượng từ 6 tạ đến 8 tạ/ lồng. 

Theo ông Lò Văn Ban, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Hoa Ban, trong thời gian tới hợp tác xã đang có hướng mở rộng thêm từ 10 - 15 lồng cá để tạo thêm nhiều việc làm, cũng như tăng thêm thu nhập cho các xã viên. Các xã viên trong hợp tác xã cũng đã có kinh nghiệm nuôi cá nhiều năm và thường xuyên được đi tập huấn, nên việc mở rộng quy mô không khó. Hiện nay, khó khăn của hợp tác xã là thiếu vốn và chưa tìm được thị trường tiêu thụ vì phải cạnh tranh với nhiều hợp tác xã khác. 

Xã Chiềng Bằng có 24 bản; trong đó, có 21 bản tái định cư. Những năm gần đây, do biết tận dụng diện tích mặt nước trên lòng hồ sông Đà nên người dân các bản tái định cư đã có thu nhập ổn định. Hiện nay, xã Chiềng Bằng có tới 12 hợp tác xã thủy sản với gần 1.000 lồng cá. Mặc dù, đã dần khẳng định được thương hiệu nhưng một số hợp tác xã trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và tiêu thụ sản phẩm. 

Ông Lò Thanh Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Bằng cho biết, hiện nay Chiềng Bằng là xã có nhiều hộ dân nuôi cá lồng nhất của huyện Quỳnh Nhai. Việc biết tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà đã giúp cho bà con các bản tái định cư có nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, để giúp các hợp tác xã yên tâm phát triển nghề cá, Đảng ủy xã đang tập trung tìm nguồn giống mới cung cấp cho bà con phát triển kinh tế; đồng thời, tìm kiếm đầu ra giúp bà con. 

Người dân tái định cư đã bước đầu tìm được hướng phát triển kinh tế từ dòng sông Đà hung dữ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hợp tác xã thủy sản đang rất cần sự giúp đỡ về vốn, khoa học kỹ thuật cũng như đầu ra cho sản phẩm để có thể khai thác hết lợi thế từ lòng hồ mang lại./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm