Cù Lao Dung - Nơi đáng sống của người dân trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng

Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nằm ở hạ nguồn sông Hậu, tách biệt với đất liền. Toàn huyện có diện tích tự nhiên 245 km, là nơi hội tụ của hai vùng sinh thái (vùng sinh thái nước ngọt phù sa và sinh thái rừng ngập mặn ven biển).

vna_potal_tiem_nang_phat_trien_du_lich_cong_dong_nghi_duong_cao_cap_cu_lao_dung_soc_trang_7639309(1).jpg
Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có trên 16.000ha bãi bồi ven biển. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Với vị trí đặc thù, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã quy hoạch huyện thành nơi phát triển du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Du lịch cộng đồng là điểm nhấn

Theo lãnh đạo Huyện ủy Cù Lao Dung, toàn huyện có 8 khu, điểm du lịch, 2 làng nghề truyền thống, 3 Homestay, 16 nhà nghỉ, 1 khách sạn du lịch. Để thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn, Huyện ủy đã ra Nghị quyết số 09 về phát triển du lịch huyện Cù Lao Dung đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện du lịch của huyện cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh mạnh; du lịch của huyện phải mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc thân thiện môi trường.

vna_potal_tiem_nang_phat_trien_du_lich_cong_dong_nghi_duong_cu_lao_dung_soc_trang_7639295.jpg
Món cá Thòi Lòi nước muối ớt, đặc sản vùng đất Cù Lao Dung phục vụ du khách. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Theo lãnh đạo Huyện ủy Cù Lao Dung, hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Cù Lao Dung còn nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa ẩm thực phong phú là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch này.

Gia đình anh Trương Văn Dũng (xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung) kinh doanh du lịch cộng đồng được hơn 4 năm với sản phẩm cầu tre xuyên rừng, cho du khách trải nghiệm đặt lọp cua, bắt sò vọp và thưởng thức các món ăn dân dã tại chỗ. Nhờ đó, cuộc sống gia đình anh khấm khá hơn trước rất nhiều.

vna_potal_tiem_nang_phat_trien_du_lich_cong_dong_nghi_duong_cu_lao_dung_soc_trang_7639292.jpg
Khu nghỉ dưỡng Farmstay Sân Tiên tại xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung, Sóc Trăng). Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Anh Trương Văn Dũng (xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung) cho biết, được chính quyền địa phương quan tâm cho đi tham quan mô hình ở các nơi nên người dân làm du lịch cộng đồng ở địa phương càng thêm có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng hỗ trợ con giống thủy sản nuôi dưới tán rừng (rừng ngập mặn ven biển) nên người dân có thêm sinh kế. Hằng tháng, trung bình gia đình đón từ 200-300 khách xuống tham quan, trải nghiệm các dịch vụ như câu cua, lướt ván, bắt vọp dưới tán rừng, bơi xuồng xung quanh rừng ngập mặn,… cho thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng.

Cách đó không xa, Farmstay Sân Tiên (xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung) có không gian thoáng mát, không khí trong lành và được bố trí khá đầy đủ tiện nghi cho du khách nghỉ dưỡng.

vna_potal_tiem_nang_phat_trien_du_lich_cong_dong_nghi_duong_cao_cap_cu_lao_dung_soc_trang_7639309.jpg
Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có trên 16.000ha bãi bồi ven biển. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Ông Lữ Văn Sự, quản lý Farmstay Sân Tiên cho biết, với diện tích rộng 3,5ha, Farmstay Sân Tiên có đầy đủ các loại hình tham quan nghỉ dưỡng cao cấp. Khách đến đây chủ yếu để nghỉ dưỡng, thưởng thức không khí trong lành của rừng bần và các món ăn đặc sản của địa phương như, canh chua cá ngát, cá bống sao kho sả ớt, thòi lòi nướng mọi, ốc len xào dừa, gỏi bông bần…. Hằng tháng, Farmstay Sân Tiên có doanh thu trên vài chục triệu đồng.

Cũng theo ông Sự, thời gian tới, Farmstay Sân Tiên tiếp tục nâng cấp các loại hình dịch vụ, đặt biệt là dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, kết hợp với các món ăn ẩm thực và các sản phẩm OCOP đặc sắc của địa phương.

vna_potal_tiem_nang_phat_trien_du_lich_cong_dong_nghi_duong_cu_lao_dung_soc_trang_7639287.jpg
Du khách trải nghiệm bơi xuồng tham quan rừng ngập mặn ở huyện Cù Lao Dung. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Nơi đáng sống của người dân trong và ngoài tỉnh

Ngày 25/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh Sóc Trăng có 4 vùng phát triển kinh tế - xã hội, gồm: Vùng ven biển, vùng ven sông Hậu, vùng nội địa và vùng Cù Lao Dung.

Theo quy hoạch, vùng Cù Lao Dung định hướng phát triển chủ yếu về du lịch kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp. Đây được xem là vùng đặc biệt, vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

vna_potal_tiem_nang_phat_trien_du_lich_cong_dong_nghi_duong_cu_lao_dung_soc_trang_7639304.jpg
Du khách viếng đền thờ Bác Hồ ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, Cù Lao Dung có thế mạnh là đường bờ biển dài, diện tích tiếp xúc với sông Hậu lớn, cảnh quan thiên nhiên phong phú đa dạng, thuận lợi phát triển kinh tế biển, du lịch và dịch vụ biển như: Các loại hình du lịch sinh thái; duy trì, phát triển nâng tầm các lễ hội truyền thống, khai thác các giá trị văn hóa, đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Khmer, người Hoa và phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu, cuối năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng huyện Cù Lao Dung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Với mục tiêu phát triển, xây dựng huyện Cù Lao Dung trở thành nơi đáng sống, có hình ảnh đặc trưng hấp dẫn du khách và nhà đầu tư gắn với thương hiệu xanh - sinh thái cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa, đảm bảo an ninh quốc phòng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

vna_potal_tiem_nang_phat_trien_du_lich_cong_dong_nghi_duong_cu_lao_dung_soc_trang_7639282.jpg
Biểu diễn văn nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer phục vụ khách du lịch ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Tỉnh đề ra hướng phát triển lấy thị trấn Cù Lao Dung làm đô thị hạt nhân, mở rộng đô thị ra các xã phụ cận, làm nền tảng để đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa, phát triển huyện trở thành thị xã trong tương lai; xây dựng và phát triển các đô thị, điểm dân cư nông thôn kết hợp cảnh quan sông nước, thân thiện với môi trường thiên nhiên.

Để thúc đẩy ngành du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại và phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung các nguồn lực triển khai hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển du lịch gắn với đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số trong du lịch.

Tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ du lịch gắn với kêu gọi đầu tư về du lịch để phát triển cơ sở hạ tầng trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch.

Tuấn Phi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm