Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được ví như “cú hích” quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Định. Tỉnh kỳ vọng, khi triển khai chương trình, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng thụ hưởng sẽ ngày càng được nâng cao.
Toàn tỉnh Bình Định hiện có 39 dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu tập trung ở 6 huyện: An Lão, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Phù Cát. Trong giai đoạn I, dù gặp khó khăn nhưng các địa phương vẫn nỗ lực thực hiện hiệu quả Chương trình 1719; trong đó, huyện Hoài Ân được xem là “điểm sáng”.
Huyện Hoài Ân cách thành phố Quy Nhơn khoảng 90 km. Đây là một huyện trung du miền núi với 14 xã, thị trấn; trong đó, 5 xã có người dân tộc thiểu số (Ba-na, H’re) sinh sống gồm: BokTới, ĐakMang, Ân Sơn, Ân Tường Đông và Ân Mỹ.
Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Ân, chỉ tính riêng trong năm 2024 (đến cuối tháng 5/2024), địa phương đã giải ngân vốn đầu tư hơn 14,5 tỷ đồng, đạt 75,6%; giải ngân vốn sự nghiệp 913 triệu đồng, đạt 6,7%. Trên cơ sở nguồn kinh phí này, huyện đã hoàn thành việc xét chọn hỗ trợ 19 nhà ở cho hộ nghèo; xét chọn 11 hộ để đề nghị phê duyệt hỗ trợ chuyển đổi nghề; phê duyệt danh sách hộ nghèo thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán với 71 hộ (đã thực hiện giải ngân đạt 100%). Cùng với đó, địa phương tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự án Khu dân cư làng T6 (Làng mới Đak Pok), giao vốn cho UBND xã ĐakMang để bố trí sắp xếp ổn định dân cư. UBND huyện đã giao vốn cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thông huyện triển khai xây dựng 6 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng (hỗ trợ 158 con bò cái sinh sản và 450 con heo đen cho gần 170 hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án).
Huyện đã phân bổ 368 triệu đồng cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng để triển khai các mô hình Sản xuất và thương mại hóa sản phẩm măng rừng khô tại xã Bok Tới; Hoàn thiện quy trình sản xuất và phát triển giá trị sản phẩm rượu cần truyền thống tại xã Đăk Mang; Sản xuất và thương mại hóa sản phẩm ớt kim ngâm giấm tại xã Ân Sơn; Xây dựng thương hiệu và quảng bá tour du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng tại xã Ân Sơn.
Đến thăm làng T6, xã ĐakMang trong những ngày này, mọi người đều bất ngờ khi nơi đây đã “khoác” lên mình diện mạo mới khang trang hơn. Ông Đinh Văn Tanh (làng T6) không giấu nổi vui mừng cho biết, trước kia, người dân đi lại rất cực khổ vì đường trơn trượt, dễ bị ngã. Mỗi lần vào vụ thu hoạch lúa, người dân nơi đây phải mất rất nhiều thời gian mới đưa máy gặt đến ruộng. Hiện nay, xe máy, xe chuyên chở nông sản di chuyển dễ dàng phục vụ sản xuất tốt hơn. Quá trình giao thương buôn bán giữa miền xuôi và miền ngược diễn ra thuận tiện, đời sống kinh tế của người dân được cải thiện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Xuân Phong chia sẻ, ngay từ đầu, huyện đã xác định phải làm tốt công tác rà soát, nắm bắt kỹ nhu cầu của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số liên quan đến Chương trình 1719. Qua đó, các ban, ngành của huyện sẽ có hướng tuyên truyền, vận động phù hợp, sát thực tiễn tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao từ nhân dân. Ngoài ra, địa phương đã linh hoạt trong việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện Chương trình 1719; chú trọng các chính sách hỗ trợ đặc thù dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, thoát khỏi sự trông chờ, ỷ lại nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định thông tin, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực giải ngân để triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình 1719. Đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh đạt hơn 59%. Các sở, ban, ngành trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc triển khai và hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện tốt Chương trình. Qua đánh giá, huyện Hoài Ân là địa phương giải ngân tốt nhất của tỉnh; các dự án, công trình đều đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đề ra. Tỉnh ghi nhận và đề nghị các huyện khác cần học hỏi, vận dụng để làm theo.
Ông Bùi Tiến Dũng cho biết thêm, sau hơn 3 năm thực hiện, Chương trình 1719 đã mang lại nhiều kết quả. Tỉnh đã duy trì 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông. Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 90%; đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%; đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%. Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế đạt 97%; thôn, làng có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 100%...
“Thời gian tới, đề nghị Ủy ban Dân tộc rà soát bổ sung kinh phí đối với dự án 1 và dự án 4 thuộc Chương trình 1719. Bởi vì kinh phí đầu tư phát triển của Trung ương cấp cho tỉnh rất thấp nhưng nhu cầu thực tế cần hỗ trợ rất nhiều. Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Thủ tướng Chính phủ bổ sung đối tượng thôn đặc biệt khó khăn (toàn tỉnh còn 12 thôn) không thuộc các xã khu vực II, III được thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân của tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3… Qua đó, phần nào tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình” - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định nêu rõ.
Lê Phước Ngọc