Phòng bệnh sốt xuất huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng

Sóc Trăng có trên 35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương trong tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong những tháng mùa mưa.

vna_potal_soc_trang_chu_dong_phong_chong_dich_sot_xuat_huyet__7429021.jpg
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Sóc Trăng có trên 408 ca mắc bệnh sốt xuất huyết và đang có xu hướng gia tăng. Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Các địa phương tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số; thường xuyên triển khai diệt muỗi vằn và bọ gậy nhằm tránh sự lây lan bệnh sốt xuất huyết.

Ghi nhận tại thị xã Vĩnh Châu - địa phương có 41.855 hộ, trong đó trên 52% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống; ngay từ đầu mùa mưa, công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và diệt muỗi vằn, bọ gậy được đẩy mạnh.

Ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, tính đến đầu tháng 7/2024, thị xã ghi nhận 50 ca mắc sốt xuất huyết, số ổ dịch và số ca mắc giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thời tiết đang vào mùa mưa, môi trường ẩm ướt, ao tù, nước đọng... nên nguy cơ bệnh sốt xuất huyết lây lan nhanh trong cộng đồng là khó tránh khỏi.

UBND thị xã đã chỉ đạo ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt muỗi vằn và bọ gậy hai đợt (đợt 1 - cuối tháng 6, đợt 2 - đầu tháng 7) tại 10 xã, phường. Các khóm, ấp thành lập các tổ phòng bệnh sốt xuất huyết tiến hành thực hiện chiến dịch diệt bọ gậy, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thường xuyên diệt bọ gậy, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho hay, với mục tiêu khống chế ca mắc, không để gây thành bệnh trên diện rộng và không xảy ra ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết, địa phương đã huy động mọi lực lượng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống sốt xuất huyết, diệt bọ gậy, muỗi vằn giảm sự lan truyền bệnh.

Bà Sơn Thị Hai (ấp Prey Chop, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu) chia sẻ, mấy năm trước khi vào mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết xuất hiện nhiều ở phum sóc, chủ yếu trẻ em từ 5-10 tuổi mắc bệnh. Năm nay, nhân viên y tế đến từng phum sóc, từng nhà dân để hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, như: vệ sinh xung quanh nhà, cọ rửa dụng cụ chứa nước thường xuyên, cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày… Đồng bào dân tộc Khmer nơi đây ai cũng hiểu và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế với mong muốn con em không mắc bệnh sốt xuất huyết khi mùa mưa đến.

Cách đó không xa, ông Thạch Dân (ấp Prey Chop, xã Lai Hòa) cho hay, được sự hướng dẫn của nhân viên y tế về thả cá bảy màu để diệt bọ gậy, giảm sự sinh sản của muỗi, nhà ông thường xuyên nuôi cá bảy màu trong các lu (dụng cụ chứa nước). Theo ông Thạch Dân, phòng bệnh sốt xuất huyết không chỉ do riêng một gia đình mà cần sự chung tay của cộng đồng dân cư nên ông mang cá bảy màu đến cho các hộ dân xung quanh nuôi, nhằm cùng nhau phòng, chống sốt xuất huyết.

Tại huyện Mỹ Xuyên - nơi có hơn 33% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, tập trung tại các xã: Đại Tâm, Tham Đôn, Thạnh Phú và Thạnh Quới. Để chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết, lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo ngành Y tế tăng cường các giải pháp phòng chống, đặc biệt tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong phòng bệnh sốt xuất huyết...

Ông Nguyễn Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết, ngay từ đầu mùa mưa, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Y tế triển khai kế hoạch phòng bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như loa truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu… Các tổ y tế ở các ấp đến tận nhà hộ dân phát tài liệu tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết phòng chống bệnh sốt xuất huyết...

Ông Phan Minh Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh có trên 546 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Những tác nhân làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh có thể kể đến như sự biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống; ý thức bảo vệ sức khỏe của một bộ phận người dân còn hạn chế; lực lượng cán bộ y tế dự phòng còn thiếu…

Hiện Sóc Trăng đã bước vào mùa mưa, điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát sinh; cùng với nhu cầu tích trữ nước của người dân tăng cao (sau thời gian hạn kéo dài) nguy cơ mật độ côn trùng (muỗi vằn và bọ gậy - những véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết) tăng. Do vậy, nguy cơ gia tăng bệnh sốt xuất huyết trong thời gian sắp tới là khó tránh khỏi.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sóc Trăng đề nghị các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao cần đánh giá lại tình hình bệnh và xem xét tiêu chí xử lý dịch diện rộng quy mô ấp, xã theo đúng quy định; tăng cường giám sát và xử lý triệt để ổ dịch, khống chế không để dịch lây lan diện rộng trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là tuyên truyền đến phụ huynh có trẻ học tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình.

Trương Phi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm