Poster phim “Chau, Beyond The Lines”.
|
Trưa 11/12 (tối 10/12 giờ New York), tiến sĩ Charles Bailey, Giám đốc Tổ chức “Sáng kiến đặc biệt về chất độc da cam/dioxin" của Quỹ Ford, đã tổ chức trình chiếu bộ phim “Chau, Beyond The Lines” về chủ đề hậu quả chất độc da cam/dioxin mà Mỹ đã gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhằm mang tới cho công chúng Mỹ một cái nhìn rõ hơn về nỗi đau mà nhiều người dân Việt Nam đang phải gánh chịu. Theo phóng viên TTXVN tại New York, bộ phim tài liệu dài 34 phút xoay quanh Lê Minh Châu, một chàng trai sinh năm 1991 bị nhiễm chất độc da cam nhưng vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ họa sĩ. Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ chọn “Chau, beyond the Lines” vào top 10 hạng mục Phim tài liệu ngắn xuất sắc của giải thưởng Oscar 2016. Trước khi đến với Oscar 2016, "Chau, beyond the Lines" từng được ban giám khảo tại Liên hoan phim Austin 2015 và Liên hoan phim Mỹ 2015 vinh danh. Bộ phim được thực hiện trong 7 năm (2007-2014). Trong buổi giao lưu với khán giả sau khi bộ phim kết thúc, nữ đạo diễn trẻ Courtney Marsh tâm sự cô bắt đầu ấp ủ dự định bộ phim “Chau, beyond the lines” khi sang Việt Nam thực tập cho dự án phim tài liệu của trường vào năm 2007. Cô cho biết: “Tám năm trước, tôi cùng với những người bạn đến Việt Nam để thực hiện bộ phim tài liệu về những hoàn cảnh khó khăn của trẻ em đường phố tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong chuyến hành trình đó, chúng tôi được giới thiệu đến ngôi làng Hòa Bình, nơi nuôi dưỡng những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Khi tới đây, trái tim tôi như thôi thúc mình làm một điều gì đó và tôi đã quyết định sẽ ở lại ngôi làng trở thành tình nguyện viên trong một tuần. Và sau đó tôi đã quyết định thực hiện bộ phim". Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, đạo diễn Marsh tâm sự: “Tôi cho rằng bộ phim ‘Chau, beyond The Lines' là một câu chuyện toàn cầu. Thông điệp tôi muốn chia sẻ là những gì Châu đã làm. Nếu chúng ta nhìn vào những gì mình có, chứ không phải là những gì mình không có, chúng ta có thể đạt được một cái gì đó chắc chắn rất đẹp tưởng chừng như không thể. Tôi nghĩ rằng điều đó đi cùng với mỗi giấc mơ của chúng ta, cùng với việc khắc phục những hậu quả Mỹ đã gây ra cho Việt Nam. Đối với chính phủ Mỹ, tôi chỉ là nhà làm phim, không phải nhà chính trị, nhưng nếu bộ phim của tôi có thể mở cánh cửa cho những đổi thay tích cực thì điều đó thật là tuyệt vời. Trước mắt, tôi mong rằng bộ phim có thể truyền cảm hứng cho mọi người dân Mỹ, và truyền cảm hứng cho sự thay đổi”. Hình ảnh chàng thanh niên Lê Minh Châu tật nguyền, song giàu nghị lực vươn lên, vượt khó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả Mỹ. Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà Robyn Benards nói: “Bộ phim là một minh chứng rõ ràng về nghị lực trong con người Châu. Đây là bộ phim đáng xem với tất cả chúng ta và với tất cả người dân Việt Nam, bởi nó cho thấy sự khó khăn khi phải chung sống với hậu quả của chất độc da cam, sự khó khăn vô cùng của những người bị nhiễm chất độc này cũng như gia đình họ hay những người đang chăm sóc các nạn nhân chất độc da cam. Tôi nghĩ rằng nghị lực vươn lên của Châu là bài học cho tất cả chúng ta”. Sau buổi trình chiếu bộ phim, tất cả các khán giả có mặt trong phòng chiếu của hãng phim Warner Bross đều ký vào bức thư ngỏ của Tổ chức “Sáng kiến đặc biệt về chất độc da cam/dioxin” thuộc Quỹ Ford yêu cầu Quốc hội Mỹ giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.