Lễ công bố thu hút sự quan tâm của các ban ngành trong tỉnh và bà con nhân dân trong vùng. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN |
Theo đó, Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu di tích Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá có quy mô 13,06 ha (tăng 9,22 ha so với quy hoạch năm 2015), gồm 2 khu vực gồm: Khu tôn tạo và phát huy giá trị di tích với các khu phủ từ, khu trưng bày bổ sung, khu lễ hội, khu quản lý và khu cây xanh, cảnh quan…. Việc quy hoạch và phát huy giá trị di tích phải đảm bảo các nguyên tắc về bảo tồn di tích gốc, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Di tích Phủ Trịnh thuộc làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1995. Trong lịch sử, Phủ Trịnh được xây dựng trên diện tích khoảng 10 ha, gồm có các hệ thống cung điện, đền đài khá hoàn chỉnh làm nơi thờ tự tổ tiên, nơi đặt hành dinh, nơi ăn ở của các chúa Trịnh (Phủ từ, khu nội phủ, Hành doanh, khu làm việc của các quan, khu thờ cúng, khu vườn hoa, bàn cờ…
Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Thanh Hoá Phạm Duy Phương phát biểu tại lễ công bố. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN |
Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, nơi đây được coi là hành dinh thứ 2 của Nhà Trịnh sau Phủ Liêu ở Thăng Long, đồng thời cũng là công trình kiến trúc tiêu biểu của thời kỳ Lê – Trịnh trên vùng đất xứ Thanh. Theo thời gian, cũng như những biến cố lịch sử đặc thù, cụm di tích này chỉ còn duy nhất một tòa nhà 7 gian hình chữ nhất, lợp ngói, kiến trúc đơn giản và đang xuống cấp nghiêm trọng.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa, các ngành chức năng, trong vài thập kỷ gần đây, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử văn hóa thời Lê – Trịnh, nhà Trịnh nói chung, di tích Phủ Trịnh nói riêng có nhiều khởi sắc. Từ năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa Phủ Trịnh, Nghè Vẹt và Lăng mộ Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng.
Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia Phủ Trịnh được đầu tư gần 300 tỷ đồng để bảo tồn, trùng tu, tôn tạo bao gồm cả ngân sách Nhà nước, đóng góp của con cháu dòng họ Trịnh và các nguồn vốn xã hội hóa. Tới đây, cùng với các di tích lân cận như: Di sản thế giới Thành nhà Hồ, suối cá thần Cẩm Lương, Lam Kinh…, Khu di tích lịch sử quốc gia Phủ Trịnh sẽ là một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch.
Hoa Mai
TTXVN