Tỷ phú Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Trên thực tế, tính cho tới nay số cử tri tham gia các cuộc bỏ phiếu của đảng Cộng hòa thường cao gấp đôi số cử tri có mặt tại các điểm bỏ phiếu của đảng Dân chủ. Tất cả được cho là nhờ sức hút của tỷ phú bạo miệng, nhiều tai tiếng, Donald Trump. Tuy nhiên, "chơi dao dễ có ngày đứt tay". Đảng Cộng hòa không ngờ Donald Trump lại nổi lên như một "trận sóng thần", như cách ví von của tờ “Nhật báo Phố Uôn”, giành chiến thắng trên quy mô rộng lớn từ một bang nghèo như Alabama đến một bang giàu như Massachusetts. Điều này chứng tỏ thực tế là nhà tỷ phú này không chỉ nhận được sự ủng hộ của tầng lớp người nghèo da trắng, như kết quả của các cuộc khảo sát trước đó, mà cả của những trí thức giàu có.
Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, Đảng Cộng hòa có nguy cơ phải đề cử một ứng cử viên mà họ không thể kiểm soát nổi, một ứng cử viên có những phát ngôn đe dọa sẽ phá vỡ những giá trị mà đảng của những người bảo thủ lâu nay vẫn bảo vệ và tự hào. Điều nguy hiểm hơn là nếu để Donald Trump ra tỷ thí với bà Hillary Clinton, ứng cử viên gần như chắc chắn nắm trong tay tấm vé tranh cử của đảng Dân chủ, thì theo khảo sát dư luận và dự đoán của giới phân tích Mỹ, phần thua nhiều nguy cơ sẽ lại thuộc về đảng Cộng hòa.
Giờ đây, để ngăn chặn ông trùm bất động sản trở thành ứng cử viên chính thức của mình, đảng Cộng hòa đang tính đến hàng loạt phương án như lập nhóm cản trở Trump hoặc nhóm ủng hộ Ted Cruz, ứng cử viên đang theo sát ông Trump trong cuộc đua sơ bộ. Thậm chí, một số nhân vật thậm chí còn nêu phương án thành lập đảng mới. Tuy nhiên, đây có vẻ như là sứ mệnh bất khả thi bởi phương án nào cũng đều chưa từng có tiền lệ, và chắc chắn sẽ gây phương hại không nhỏ tới uy tín của đảng Con voi và càng khiến đảng Dân chủ tiến gần hơn tới chiến thắng.
Nhóm phóng viên TTXVN tại New York đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia về bầu cử hàng đầu của Mỹ để tìm hiểu về tác động của nhân tố mới có tên Donald Trump đối với Chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 nói riêng và bức tranh chính trị của nước Mỹ nói chung.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Jeana Zaino, chuyên gia phân tích, bình luận hàng đầu về chính phủ & chính trị nội bộ Mỹ, thuộc Khoa Nghiên cứu Quốc tế và Khoa học Chính trị, Đại học Iona bang New York, sự tham gia của Donald Trump đã khiến bầu cử tổng thống 2016 trở nên thú vị hơn rất nhiều. Rất nhiều người vốn không ưa đảng Cộng hòa, nhưng ông Trump đã tạo được một lực hút kéo họ ủng hộ cho mình bằng cách khiến các cử tri tìm thấy điều họ mong mỏi – mà họ vốn không nhận được từ chính phủ.
Giáo sư, Tiến sĩ Jeana Zaino.
|
Trong khi đó, chuyên gia phân tích chính trị Mark Helprin, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) và hội viên cao cấp của Viện Claremont (Mỹ) thì nhận định rằng chiến thắng của ông Trump là hết sức nguy hiểm đối với nước Mỹ, có nguy cơ đẩy nước Mỹ rơi vào thời kỳ thảm họa thứ ba.
Thời kỳ thảm họa đầu tiên là cuộc nội chiến Nam Bắc. Thời kỳ thảm họa thứ hai là cuộc chiến tranh lạnh, kéo theo là cuộc chạy đua hạt nhân với Liên Xô. Và thời kỳ thảm họa thứ ba sẽ xảy ra nếu như ông Trump trở thành tổng thống và sẽ phá hủy hiến pháp Mỹ, phá hủy những giá trị lâu nay của nước Mỹ.
Chuyên gia Mark Helprin. |
Ông Helprin khẳng định, Donald Trump là một nhân tố khó tiên liệu, và sẽ không thể biết ông ta sẽ làm gì khi trở thành Tổng thống Mỹ.
Về phần mình, Tiến sĩ Anders Corr, Giám đốc Hãng phân tích và tư vấn rủi ro tư nhân Corr Analytics Inc., nhìn nhận, Donald Trump là người rất khoa trương trong cách tiếp cận đối với tất cả các vấn đề trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hiện nay.
Tiến sĩ Anders Corr.
|
Thực tế, rất nhiều người lo ngại rằng nếu thực sự trở thành Tổng thống, ông Donald Trump sẽ là một nhân tố khó lường, và không thể đoán định được ông ta sẽ làm gì.