Tiết mục biểu diễn văn nghệ tại ngày hội du lịch. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN |
Ngày hội Du lịch là dịp để huyện Kbang giới thiệu, tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử, khám phá thiên nhiên hùng vĩ, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc đến du khách trong và ngoài tỉnh; là cơ hội kết nối, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, góp phần đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Tham dự Ngày hội Du lịch Kbang, du khách có cơ hội được chiêm ngưỡng, khám phá không gian văn hóa cồng chiêng – Kiệt tác truyền khẩu và văn hóa phi vật thể của nhân loại; thưởng thức các giai điệu múa, hát, độc tấu, hòa tấu các loại nhạc cụ dân tộc; trải nghiệm thực tế các trò chơi dân gian, các loại hình nghệ thuật độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số; được tư vấn, giới thiệu các sản phẩm du lịch, trong đó đặc sắc là du lịch sinh thái dã ngoại…
Tiết mục biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội du lịch. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN |
Kbang nằm trong tiểu vùng sinh thái Đông Trường Sơn, với hai tuyến quốc lộ đi qua đã tạo sự kết nối thuận lợi trong phát triển du lịch với các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bình Định, Đăk Lăk, Lâm Đồng. Cùng với đó, Kbang có diện tích tự nhiên rộng lớn, được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh thác, ghềnh hùng vĩ, hoang sơ với hệ sinh thái động thực vật quý hiếm. Tiêu biểu là những thắng cảnh suối Bài Thơ, thác Kon Lốc, thác 50 Kon Chư Răng, thác Hang Dơi, thác Đăk Bok, lòng hồ Thủy điện An Khê – Ka Nak… Bên cạnh đó, những di tích lịch sử như: Nhà lưu niệm Anh hùng Núp – Làng Kháng chiến Stơr, Khu Căn cứ cách mạng Khu 10 xã Krong, Vườn Mít – Cánh đồng Cô Hầu nằm trong quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo… là những địa chỉ đáng được du khách quan tâm, nghiên cứu.
Phiên chợ nông sản nằm trong chuỗi các hoạt động Ngày hội Du lịch huyện Kbang. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN |
Nằm trong chuỗi các hoạt động của Ngày hội Du lịch, Hội chợ nông sản, thực phẩm được khai mạc vào sáng cùng ngày là một trong những điểm nhấn quan trọng. Hơn 100 gian hàng trưng bày phong phú các sản phẩm nông- lâm đặc sản, thủ công mỹ nghệ truyền thống để phục vụ du khách tham quan và mua sắm. Hội chợ không chỉ là dịp để bà con nông dân trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tìm hướng đi phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất; mà còn là cơ hội để nông dân và doanh nghiệp tìm “tiếng nói chung” hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tham gia một gian hàng tại Hội chợ nông sản, anh Đặng Văn Đức ở xã Sơ Pai, huyện Kbang cho biết: Gia đình mình trưng bày sản phẩm cam, quýt tại Hội chợ nông sản, thực phẩm. Sản phẩm này do chính gia đình sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Qua hội chợ này, gia đình tìm kiếm cơ hội để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang Nguyễn Văn Dũng chia sẻ, thông qua việc tổ chức Ngày hội Du lịch, huyện Kbang sẽ quảng bá, giới thiệu đến bạn bè, du khách những tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của địa phương. Từ đó, thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Từ đầu năm đến nay, đã có gần 15.000 lượt du khách đến vùng căn cứ cách mạng Kbang tham quan du lịch để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, dã ngoại sinh thái. Đây là cơ sở quan trọng để huyện Kbang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, liên kết, khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, đồng thời qua đó lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của địa phương.
Nguyễn Hoài Nam
TTXVN