Cô Thầm hướng dẫn các em học sinh ôn luyện. Ảnh: Đức Hiếu -TTXVN |
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Ba Bể còn nhiều khó khăn, cô giáo Thầm cũng như các bạn cùng trang lứa, muốn mang kiến thức, con chữ được học về giúp bà con thoát nghèo. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, cô về công tác tại Trường Trung học cơ sở Cao Trĩ, đóng trên địa bàn xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể. Ngày mới ra trường, cô giáo Thầm còn nhiều bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm nhưng rất nhiệt huyết, yêu nghề, yêu học trò. Những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên trong trẻo của học sinh vùng cao chính là động lực giúp cô nỗ lực, phấn đấu học tập không ngừng. Trong thời gian giảng dạy, cô Thầm đã mạnh dạn đề xuất, áp dụng phương pháp giảng dạy mới, linh hoạt, đặc biệt, sự hỗ trợ đắc lực từ công nghệ thông tin đã làm cho bài giảng của cô luôn thu hút học sinh.
Cô Thầm trong buổi giao ban với các thày cô trong trường. Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN. |
Cô Thầm tâm sự: Mình sinh ra và lớn lên ở vùng cao, tuy đã quen với cuộc sống ở đây nhưng khi thấy học sinh phải đi bộ hàng chục km để đến lớp, mùa đông nhiều em không có áo ấm, rét co ro rất thương. Tuy nhiên các em đều có niềm say mê học con chữ, ánh mắt trong sáng của học sinh dõi theo từng con chữ đã tạo động lực để cô phấn đấu và tận tâm với nghề. Ghi nhận những đóng góp của cô giáo Thầm, năm 2007, Trường Trung học cơ sở Cao Trĩ đã giao cô làm tổ trưởng chuyên môn. Năm 2014, cô được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng phụ trách công tác chuyên môn. Tháng 10/2017, cô Thầm được điều động đến nhận công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Cao Thượng, huyện Ba Bể, trường cách trung tâm huyện gần 20km, nằm trong vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Ba Bể, học sinh chủ yếu là con em dân tộc Mông, Dao... Những ngày đầu đến trường, nhìn cảnh học sinh phải ở túp lều tạm bợ ở trọ học, bữa ăn đạm bạc, cô thấy xót xa. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, cô chú trọng đến đời sống học sinh, đảm bảo cho các em không bị đói, rét, thiếu sách vở khi đến trường. Ngoài ra, cô Thầm còn tự lập quỹ tiết kiệm, vận động tổ chức ngoài xã hội chăm lo đời sống học sinh, đặc biệt là học sinh phải đi ở trọ vì nhà xa trường. Vì vậy, thời gian qua, trường không có học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Số tiền và hiện vật cá nhân, các tổ chức mà cô vận động được dù ít nhưng đã tiếp thêm động lực cho những học sinh thân yêu trong học tập. Em Đặng Thị Hường, học sinh lớp 9B, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Cao Thượng chia sẻ: Cô Thầm có phương pháp giảng dạy dễ hiểu, cô luôn quan tâm giúp đỡ học sinh, đặc biệt là học sinh yếu. Ngoài giờ lên lớp, cô còn tạo điều kiện cho học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa để các em phát triển toàn diện. Thầy Vũ Đình Hữu, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Cao Thượng cho biết: Cô Thầm là người có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Trong công tác, cô luôn năng động, sáng tạo, tâm huyết với nghề, dám nghĩ dám làm, nhiều năm qua cô Thầm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong quan hệ với đồng nghiệp cô Thầm luôn lắng nghe, chia sẻ, cầu thị, được đồng nghiệp kính trọng, học sinh tin yêu. Ngoài giờ dạy cô còn tích cực cùng đồng nghiệp vận động học sinh đến lớp, thăm hỏi, giúp đỡ gia đình học sinh khó khăn.
Cô Thầm hướng dẫn các em học sinh ôn luyện. Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN |
Qua 17 năm công tác, cô giáo Thầm đã nhiều năm đạt danh hiệu giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi, xuất sắc; nhiều năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; 2 lần đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử cấp huyện, 1 lần đoạt giải nhất cấp tỉnh; 1 lần đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế giáo án dạy học tích hợp theo chủ đề cấp huyện, giải khuyến khích cấp tỉnh. Ngoài ra, cô còn giành giải nhất thi cuộc thi đồ dùng dạy học tự làm cấp huyện, giải nhì cấp tỉnh; nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Tuy đạt được nhiều thành tích trong giảng dạy nhưng cô giáo Thầm rất khiêm tốn, cô tâm sự: Để thành công với một công việc hay lĩnh vực nào đó, bản thân mỗi người cần phải yêu nghề, tâm huyết, dám hi sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung. Với cô, mọi việc đều hướng về học sinh thân yêu. Chính vì vậy, cô luôn tập trung vào việc tạo ra động lực học tập cho học sinh. Bên cạnh đó, tích cực tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tìm tòi phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực sáng tạo, làm cho học sinh hào hứng với giờ dạy. “Mỗi giờ học, học sinh chăm chú lắng nghe, phản hồi ý kiến, tham gia hào hứng vào bài giảng, đó chính là “thang điểm” chuẩn nhất để đánh giá giờ dạy của giáo viên”, cô Thầm nói. Với những thành tích trong giảng dạy, công tác, mới đây, tại Hà Nội, cô Thầm là một trong 70 điển hình tiên tiến được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018).
Mạnh Hà - Đức Hiếu