Chuyện về những thầy thuốc bám bản

Chuyện về những thầy thuốc bám bản
Bác sỹ Nông Thị Tuyến, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Thôn, Hà Quảng kiểm tra sức khỏe trẻ em tại xóm Tổng Cáng.
Bác sỹ Nông Thị Tuyến, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Thôn, Hà Quảng kiểm tra sức khỏe trẻ em tại xóm Tổng Cáng.
Tại Trạm Y tế xã Thượng Thôn, một số bà con đang chờ khám, kê đơn lấy thuốc, chúng tôi gặp bác sỹ Nông Thị Tuyến, Trạm trưởng Trạm Y tế xã, chị cho biết: Xã có 15 xóm, một số xóm vùng cao đi bộ 7 - 8 km phải mất đến 2 - 3 giờ như: Táy dưới, Rải Tổng, Kha Bản, Lũng Tẩn, Nặm Giặt... trên 90% bà con là đồng bào dân tộc Mông; một số xóm thiếu nước sinh hoạt, ngô là cây trồng chính, tỷ lệ hộ nghèo còn cao...

Từ khi ra trường, chị vào nhận công tác tại xã đến nay đã 20 năm, được coi là người con của bản làng vùng cao này. Năm 2009, chị học xong trình độ bác sỹ và được bổ nhiệm làm trạm trưởng. Chị kể: Ban đầu vào nhận công tác do chưa có kinh nghiệm, cùng với việc bất đồng ngôn ngữ, công tác vận động tiêm chủng gặp rất nhiều khó khăn, bà con thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em không được tiêm chủng còn cao. Có lần cùng cán bộ y tế xách tích vắc xin đi bộ cả ngày, đến xóm, người lớn đi làm nương, trẻ em trốn hết vào nhà đóng cửa lại, cán bộ không tiếp cận được phải ngủ qua đêm để sáng hôm sau vận động họ tiêm chủng. Có lần sát Tết, dân xuống gọi cán bộ y tế đến tận nhà đỡ đẻ, trực cả đêm đến sáng chờ đẻ, vận động họ ra trạm đầy đủ thiết bị hơn nhưng họ không nghe...

Nhưng đây là chuyện của ngày trước, còn bây giờ hoàn toàn khác rồi, nhận thức của đồng bào được nâng lên rõ rệt. Hằng tháng, trạm phối hợp với các đoàn thể, y tế thôn bản lồng ghép tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh môi trường ở các xóm, chòm xóm... Do vậy mỗi khi có bệnh bà con chủ động đến trạm y tế khám và được cấp thuốc. Việc thầy mo cúng bái, tự hái cây rừng về chữa bệnh gần như không còn.

Bà Nông Thị Nại, xóm Tổng Cáng vui vẻ cho biết: Mấy năm gần đây, bà con tự đến Trạm Y tế khám sức khỏe khi có bệnh, trẻ em được tiêm chủng đầy đủ. Trạm Y tế có bác sỹ nên chúng tôi rất yên tâm. 

Với thâm niên bám bản làng, làm thay đổi nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người dân, sự năng động, sáng tạo trong khám, tư vấn sức khỏe cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, năm 2016, chị Tuyến là 1 trong 30 thầy thuốc trẻ bám bản tiêu biểu được cử về Hà Nội tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ III (giai đoạn 2015 - 2020), tuyên dương thầy thuốc trẻ bám bản tiêu biểu xuất sắc.

Từ Thượng Thôn, chúng tôi đi ngược ra xã Sỹ Hai, cũng là xã vùng cao của huyện Hà Quảng, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu nước sinh hoạt, giao thông không thuận lợi. Xã có 9 xóm hành chính, trên 240 hộ, dân tộc Nùng chiếm 95%, còn lại là dân tộc Mông. Cũng giống như chị Tuyến, nhiều y, bác sỹ ở vùng sâu, vùng xa như bác sỹ Lục Văn Cao, Trạm Y tế xã Sỹ Hai cũng luôn hết mình vì bệnh nhân, luôn có trách nhiệm cao trong công tác khám, chữa bệnh cho  đồng bào. Với 15 năm công tác tại trạm, anh được đồng bào nơi đây tin tưởng, quý mến.

Những ngày đầu bám bản, phải đối diện với những thách thức đối với công tác chăm sóc sức khỏe là sự nghèo đói, hủ tục trong đời sống đồng bào. Hằng tháng, trạm lập kế hoạch tuyên truyền, vận động, anh đến các thôn, bản tuyên truyền đồng bào về chăm sóc sức khỏe, di dời gia súc ra khỏi gầm sàn, làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Người dân được theo dõi, quản lý sức khỏe cẩn thận; từng chương trình y tế được lập hồ sơ, thống kê ghi chép từng tháng, quý. Trạm luôn có cán bộ trực 24/24 giờ để tiếp nhận những ý kiến, yêu cầu của bà con và khám, chữa bệnh kịp thời.

Đến nay,  95% phụ nữ đến trạm sinh đẻ, 100% trẻ em, phụ nữ có thai được tiêm chủng. Năm 2012, Trạm Y tế xã được đầu tư xây dựng khang trang, được trang bị các thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh. Anh cùng lãnh đạo trạm tham mưu cho Ban chỉ đạo chuẩn Quốc gia về y tế xã triển khai các nội dung xây dựng chuẩn Quốc gia về y tế xã theo tiêu chí mới đúng tiến độ. Năm 2015, xã Sỹ Hai đạt tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế xã. Điều quan trọng hơn là người dân khi đau ốm đã tự tìm đến trạm y tế để được khám bệnh, cấp thuốc; trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắcxin phòng bệnh. Phụ nữ không còn ngại ngần sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đến đăng ký khám bệnh và theo dõi thai nghén định kỳ, đến trạm y tế xã sinh nở. Các dịch bệnh sốt rét, sởi, dịch than, lỵ... đã được đẩy lùi.
 
Bác sỹ Hoàng Văn Tình, đang giao ban y tế thôn bản tại Trạm Y tế xã Kim Loan, Hạ Lang.
Bác sỹ Hoàng Văn Tình, đang giao ban y tế thôn bản tại Trạm Y tế xã Kim Loan, Hạ Lang.
Đến xã Kim Loan (Hạ Lang), tại Trạm Y tế xã, các y, bác sỹ đang họp giao ban với các y tế thôn bản. Gặp bác sỹ Hoàng Văn Tình đã thâm niên 30 năm bám bản, anh tâm sự: Từ năm 1986, tôi nhận công tác tại Trạm Y tế xã biên giới Lý Quốc, được 2 năm chuyển sang xã Đức Quang, đầu năm 2016 anh chuyển về Kim Loan. Ngày đầu làm y sỹ ở xã Đức Quang, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, chưa chú trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe. Từ việc đi tuyên truyền, vận động tiêm phòng, đi chữa bệnh... nhiều năm qua, từ lãnh đạo xã, xóm đến người dân đều biết ơn và yêu quý anh Tình, coi anh như người con của bản. Ai cũng mong anh gắn bó mãi với địa phương, giúp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho nhân dân.

“Khi mình đến phải làm tất cả từ đầu, nên rất vất vả trong công tác tham mưu, vì lãnh đạo xã đều là người địa phương, trình độ văn hóa hạn chế; một số cán bộ cũng bị ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán lạc hậu của địa phương. Nhưng rồi thấy mình làm có hiệu quả, cứu chữa được nhiều ca bệnh khó, lâu dần bà con cũng tin lời mình nói, tin những kế hoạch mình vạch ra và huy động các ban, ngành xã và các xóm cùng phối hợp thực hiện". Bao đêm, một mình anh băng rừng, vượt đường mòn đến tận nhà cấp cứu bệnh nhân.

Anh Tình kể: Có lần đến xóm thấy bệnh nhân nặng, phải ở lại trực đến khi người bệnh đỡ hẳn mới về, xóm xa nhất như Nà Hát, Pác Nặm phải đi từ 7 - 8 km đường mòn đến tuyên truyền, cấp phát thuốc. Sau mỗi lần được khám bệnh, uống thuốc, sức khỏe người dân tốt hơn. "Mưa dầm thấm lâu", rồi cũng thành công, dân bản từ chỗ tin thầy thuốc, rồi chuyển thành quý mến lúc nào không hay. Lương tháng ngày đó rất thấp hầu như chỉ đủ mua gạo, muối, mỡ, cá khô và vài kg thịt, nhưng chỉ một thời gian ngắn anh đến với bản làng người dân quý mến cho thêm gạo, thịt... thế là có điều kiện giúp bà con đầy lùi bệnh tật. Năm 1999, có đội ngũ y tế thôn bản nên công tác vận động người dân đến trạm khám, chữa bệnh đã dễ dàng hơn. Hiện nay, xã Kim Loan đường đi lại đã dễ dàng, người dân hiểu biết hơn nên công tác khám, chữa bệnh cũng thuận lợi hơn.
 
Không có khó khăn nào là không thể vượt qua, với sự yêu nghề, và quan trọng là nghị lực của đội ngũ y, bác sỹ bám bản - họ góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con, góp phần nâng cao sức khỏe của bà con ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Với tấm lòng hết mình phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, họ luôn tỏa sáng với hình ảnh "Lương y như từ mẫu".
 
Năm 2010, toàn tỉnh có 117/199 trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ, 15 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã. Chỉ có 7 bác sỹ/1 vạn dân. Đến nay, 169/199 trạm y tế xã, phường có bác sỹ, đạt 85%; 100% thôn bản có nhân viên y tế; 89 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế xã; đạt 8,5 bác sỹ/1 vạn dân. Phấn đấu đến năm 2020, 100% trạm y tế xã có bác sỹ.
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm