Hiện nay, phần lớn các ca bệnh là dị ứng, đau mắt đỏ, khô mắt... Tuy nhiên, khi nắng nóng cao điểm, người dân rất dễ bị các viêm nhiễm như viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, chắp, lẹo… nếu không vệ sinh mắt đúng cách.
Bác sỹ Hoàng Cương khám cho bệnh nhân. Ảnh: Vietnamplus.vn |
Đối với đau mắt đỏ là bệnh do vi rút gây ra và rất dễ bùng phát thành dịch trong mùa hè. Bệnh lây lan nhanh, biểu hiện chung là sốt nhẹ, ho, đau họng, nổi hạch, đỏ mắt, ra ghèn, cộm rát, nhìn mờ.
Tiến sĩ Cương cho biết, đau mắt đỏ là bệnh thường gặp. Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan, việc người bệnh “tự kê đơn bốc thuốc”, sử dụng không đúng cách hay mua thuốc điều trị không đảm bảo cũng làm gia tăng bệnh. Có nhiều trường hợp thấy mắt đỏ sau khi bị dị vật đã tự ý mua và nhỏ các thuốc kháng sinh có thành phần corticoid để nhỏ. Việc sử dụng không đúng cách có thể gây tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, viêm kết mạc bề mặt, mỏng lớp giác mạc, suy giảm thị lực và những tổn thương này không thể cứu vãn…
Theo các bác sĩ, để phòng tránh dịch đau mắt đỏ, biện pháp tốt nhất là tránh xa khỏi nguồn gây bệnh. Bên cạnh đó, nhỏ nước muối sinh lý 0,9% hàng ngày là cách phòng bệnh hiệu quả. Trong môi trường có người bị đau mắt đỏ, tốt nhất nên nhỏ nước muối sinh lý khoảng 6 tiếng/lần để loại bỏ vi rút lây bệnh.
Một hội chứng nữa mà có khoảng 4 - 6 triệu người Việt Nam mắc, nhất là những người làm việc tại văn phòng, đó là hội chứng khô mắt, Tiến sĩ Cương chia sẻ. Hội chứng này xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi, người mắc có cảm giác cay mắt, thậm chí buốt như kim châm, chói mắt, có các vệt sáng qua mắt thất thường, trào nước mắt, gây đau, xước giác mạc, chảy nước mắt, khô khốc.
“Vì luôn cảm thấy khó chịu trong mắt nên người khô mắt giảm tập trung công việc, hay than phiền về bệnh tật, giảm năng suất lao động. Nếu không dược điều trị, các triệu chứng trên sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, nặng hơn, làm giảm thị lực và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và lao động của người bệnh. Bệnh nhân sẽ khó chịu, cảm thấy chói, cộm, sợ ánh sáng, không mở được mắt”, Tiến sĩ Cương cảnh báo.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Cương, người dân không nên để đến khi bị bệnh mới đi khám ở các cơ sở y tế mà việc đơn giản nhất là phòng mầm mống bệnh ngay trong sinh hoạt hàng ngày. Người dân cần tạo thành thói quen vệ sinh tay, mắt bằng nước sạch, cần ý thức rõ ràng làm sạch mắt là điều cần thiết, quan trọng để phòng bệnh. Khi bị bụi hoặc nước bẩn bắn vào mắt có thể chớp mắt vào cốc nước sạch, tránh day, dụi mắt. Hàng ngày làm sạch mắt bằng cách 6-8 tiếng 1 lần, nhỏ nước muối sinh lý hoặc tối thiểu là 1 ngày 2 lần vào buổi sáng và tối. Biện pháp này cũng rất hiệu quả trong phòng tránh bệnh khô mắt. Đặc biệt, đối với chị em hay dùng mĩ phẩm, khi tẩy trang có thể dùng nước muối để rửa trôi những chất ăn mòn hoặc vi khuẩn lọt vào trong mắt. Đây chính là một trong các nguyên nhân gây tình trạng đau mắt mà ít người để ý.
Các bác sĩ khẳng định, nhỏ nước muối sinh lý làm sạch mắt an toàn, rẻ tiền và là phương pháp điều trị dự phòng tốt nhất. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo, hiện nay trên thị trường còn nhiều sản phẩm nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo, thậm chí cả thuốc nhỏ mắt sản xuất thủ công, chứa chất bảo quản rẻ tiền. Nếu sử dụng lâu ngày sẽ dẫn tới khô mắt, đau mắt mãn tính thậm chí dẫn tới mù lòa. Vì vậy, người bệnh cần biết lựa chọn sản phẩm an toàn, phù hợp, cũng như cách bảo quản thuốc, chăm sóc mắt đúng cách.
Nguyễn Bích Thủy