Chuyên gia hướng dẫn cách sử dụng thực phẩm chế biến sẵn

Theo chuyên gia dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học được xem là một trong những yếu tố phòng tránh nguy cơ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, trước xu hướng sử dụng thực phẩm chế biến sẵn đang ngày càng phổ biến trong các gia đình, chuyên gia dinh dưỡng bày tỏ lo ngại về hàm lượng chất bảo quản và phụ gia thực phẩm...

Làm người tiêu dùng thông thái trong lựa chọn thực phẩm

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Thị Mai Hương (Viện Dinh dưỡng quốc gia), thực phẩm chế biến sẵn cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng cho người tiêu dùng đến việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Ngoài ra, quá trình chế biến còn giúp nâng cao giá trị dinh dưỡng, tiện ích và an toàn cho người sử dụng. Thực phẩm chế biến sẵn là một phần của chế độ ăn uống đa dạng, là xu thế tiêu thụ trong xã hội hiện đại. Hiện người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến chất lượng và an toàn của thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là trong bối cảnh đô thị hóa và thu nhập cá nhân tăng cao. Tuy nhiên theo chuyên gia, một trong những mối quan ngại chính là hàm lượng chất bảo quản và phụ gia thực phẩm, điều này đòi hỏi người tiêu dùng phải thông thái trong việc lựa chọn sản phẩm từ các nhà sản xuất uy tín.

“Với các công ty sản xuất thực phẩm chế biến sẵn, họ có thời gian đánh giá, theo dõi hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm sau khi chế biến, để từ đó công bố thời gian bảo quản, sử dụng cùng với hàm lượng dinh dưỡng. Nghĩa là người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhận biết được hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm mình lựa chọn trên bao bì của sản phẩm, nếu thực phẩm chế biến sẵn đó được bảo quản theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất", Tiến sĩ Bùi Thị Mai Hương cho biết.

Chuyên gia cũng lưu ý, nếu sản phẩm đã mở thì thời hạn sử dụng sẽ không kéo dài như trên nhãn bao bì, kể cả với sản phẩm đông lạnh kỹ, chưa rã đông. Đồng thời khuyến cáo, đối với các sản phẩm đã mở chỉ nên sử dụng trong 1 tuần sau khi mở.

Trước thực tế nhiều gia đình có thói quen rã đông thực phẩm bằng cách để ở ngoài không khí thường, cho vào nước, cho vào lò vi sóng…, chuyên gia khuyến cáo: "Tất cả các quá trình rã đông này đều có nguy cơ để các vi sinh vật phát triển rất mạnh trong thực phẩm đó. Vì vậy, không nên tái cấp đông sau khi đã rã đông thực phẩm. Bởi sau khi rã đông, thực phẩm không được ủ đông nhanh ngay sau đó, sẽ làm mất nước và biến tính về mặt dinh dưỡng, tức là thực phẩm không còn hàm lượng dinh dưỡng như lúc đầu".

Dinh dưỡng hợp lý để đề phòng bệnh tật

Theo Tiến sĩ Bùi Thị Mai Hương, chế độ dinh dưỡng không hợp lý được xem là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, thừa cân - béo phì, gout, rối loạn mỡ máu... Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gam muối/ngày (tương đương với một thìa cà phê), tuy nhiên, người Việt ăn quá nhiều so với nhu cầu khuyến nghị, với khoảng 9,4 gram muối/người/ngày. Việc ăn quá mặn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp, ung thư dạ dày, bệnh thận, sỏi thận, thưa xương, hen phế quản. Đáng nói, dù ăn nhiều muối, nhưng nhiều người không ý thức được lượng muối đang nạp vào cơ thể là nhiều. Bên cạnh đó, nhiều người còn có thói quen ướp các loại thực phẩm; sử dụng nhiều món canh; ăn nhiều các món kho, rim; ăn rau luộc chấm, trái cây chấm muối... làm gia tăng lượng muối nạp vào mỗi ngày.

Chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, không một loại thực phẩm nào có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể. Vì vậy, mỗi người cần phối hợp ăn nhiều loại thực phẩm và thường xuyên thay đổi món ăn để cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng phức tạp của cơ thể. Mỗi ngày, mỗi người cần ăn tối thiểu 15 loại thực phẩm đại diện từ 4 nhóm gồm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.

Chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực hiện 10 lời khuyên dinh dưỡng thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để có chế độ ăn hợp lý, đảm bảo sức khỏe. Theo đó, ngươi dân cần thực hiên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. Phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật, nên ăn tôm, cua, cá và đậu đỗ. Ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý, nên ăn vừng lạc. Nên sử dụng muối iốt, không ăn mặn. Cần ăn rau quả hàng ngày. Đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm. Uống đủ nước sạch hàng ngày. Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục cho bú mẹ đến 24 tháng. Trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi. Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nước có ga và ăn, uống đồ ngọt.

H.Q

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm