Chuyển đổi hệ thống lương thực gắn với phát triển nông nghiệp bền vững

Quang cảnh Hội thảo. Nguồn: laichau.gov.vn
Quang cảnh Hội thảo. Nguồn: laichau.gov.vn

Ngày 20/6, tại thành phố Lai Châu, UBND tỉnh Lai Châu phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam tổ chức hội thảo Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm miền núi phía Bắc gắn với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Chuyển đổi hệ thống lương thực gắn với phát triển nông nghiệp bền vững ảnh 1Quang cảnh Hội thảo. Nguồn: laichau.gov.vn

Hội thảo nhằm giới thiệu "Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" và một số giải pháp cho khu vực miền núi phía Bắc; tham vấn ý kiến của các đại biểu về kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững ở Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2030 và chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống lương thực thực phẩm tại các tỉnh miền núi phía Bắc; kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong việc phát triển hệ thống lương thực thực phẩm tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Chuyển đổi hệ thống lương thực gắn với phát triển nông nghiệp bền vững ảnh 2Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo. Nguồn: laichau.gov.vn

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng, việc tổ chức hội thảo là để có những đánh giá, giải pháp về hệ thống lương thực thực phẩm khu vực miền núi phía Bắc và là cơ hội để tỉnh Lai Châu gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển sản xuất nông nghiệp của các tỉnh trong khu vực. Nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm miền núi phía Bắc gắn với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững rất cần sự tham vấn trực tiếp từ các chuyên gia để đánh giá cụ thể các vấn đề. Từ đó có các giải pháp phù hợp và hành động cụ thể trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, góp phần triển khai hiệu quả Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Đối với tỉnh Lai Châu, với tiềm năng về khí hậu, đất đai thổ nhưỡng thuận lợi, Lai Châu đã ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh tham gia thị trường trong và ngoài nước như: mắc ca, chè, cao su; các sản phẩm hàng hóa đặc sản: lúa gạo, cây ăn quả, rau, hoa, chăn nuôi đại gia súc.

Để đảm bảo an ninh lương thực đến năm 2030, Lai Châu xác định mục tiêu: nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; giữ ổn định diện tích đất sản xuất lúa nước trên 20.300 ha; cung cấp đầy đủ, đa dạng và an toàn các loại thực phẩm như thịt, trứng, thủy sản, rau quả với chất lượng ngày càng cao; phát triển đàn trâu bò lên 117 nghìn con, đàn lợn 241 nghìn con, sản lượng thủy sản đạt trên 15 nghìn tấn/năm… góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định xã hội, chính trị trong mọi tình huống.

Tại hội thảo, đa số các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến tập trung vào tổng quan kế hoạch triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 như: cách thức thay đổi từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển hệ thống lượng thực thực phẩm gắn với thị trường và đảm bảo tiếp cận thực phẩm giàu dinh dưỡng cho địa phương; làm sao để gắn kết phát triển hệ thống lương thực thực phẩm vào 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia cho vùng miền núi phía Bắc…

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến tham gia của đại biểu và cho rằng đối với những người làm công tác quản lý sẽ thu được nhiều kiến thức bổ ích để phục vụ cho quá trình chỉ đạo, điều hành. Đối với Tây Bắc không thể đi vào sản lượng mà phải đi vào những loại cây trồng có giá trị cao, là loại cây trái vụ và khác biệt so với địa phương khác, quốc gia khác thì mới thắng lợi được. Cho nên cần phải lựa chọn sự khác biệt. Như tỉnh Lai Châu, lựa chọn phát triển cây mắc ca, chè, chuối..., giảm một số loại cây khác và sự phát triển đó phải gắn chặt với doanh nghiệp từ khâu sản xuất tới khâu chế biến.

Các dự án khi thực hiện phải đi đến cùng, phải có tính lan tỏa, tính bền vững, tỉnh Lai Châu mong muốn nếu được tham gia vào các dự án hỗ trợ thì đó sẽ là cơ hội rất thiết thực. Khâu yếu trong nông nghiệp của các tỉnh hiện nay là chế biến sâu, thị trường và kênh phân phối, vì vậy tỉnh Lai Châu mong muốn Tổ chức FAO quan tâm hỗ trợ tỉnh các mô hình chế biến sâu và có các chuyên gia hướng dẫn. Về dược liệu, Lai Châu mong muốn có sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để có thể đồng hành với tỉnh trong phát triển các loại dược liệu quý như sâm Lai Châu.

Chuyển đổi hệ thống lương thực gắn với phát triển nông nghiệp bền vững ảnh 3Ông Rémi Nono Womdim - Trưởng Đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Nguồn: laichau.gov.vn

Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho biết, đơn vị sẽ xem xét các dữ liệu đã được chia sẻ tại Hội thảo hôm nay và khẳng định tổ chức FAO sẽ cam kết đồng hành các nội dung đã được bàn, thảo luận tại Hội thảo.

Dịp này, các đại biểu đã đi tham quan, khảo sát tại một số địa điểm phát triển cây chè, phát triển cây lê, mô hình nuôi ong lấy mật, nuôi cá nước lạnh... trên địa bàn tỉnh Lai Châu để đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện các sản phẩm lương thực thực phẩm.

Nguyễn Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm