Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng gò đồi miền Trung

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng gò đồi miền Trung
Ban cố vấn giải đáp những thắc mắc của bà con nông dân về những vấn đề liên quan trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng gò đồi. Ảnh: Võ Dung-TTXVN
 Ban cố vấn giải đáp những thắc mắc của bà con nông dân về những vấn đề liên quan trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng gò đồi. Ảnh: Võ Dung-TTXVN
Phát biểu khai mạc, ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, xác định phát triển kinh tế vùng gò đồi là một trong những chương trình trọng điểm, thời gian qua các địa phương đã thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng trên vùng gò đồi theo chủ trương của từng tỉnh. Diễn đàn sẽ góp phần cùng các địa phương tìm ra các giải pháp khả thi, nhất là các giải pháp về kỹ thuật sản xuất để thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đồng thời nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm rủi ro trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.
Các đại biểu tham quan mô hình trồng sâm Bố Chính của Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Ảnh: Võ Dung - TTXVN
Các đại biểu tham quan mô hình trồng sâm Bố Chính của Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Ảnh: Võ Dung - TTXVN
Miền Trung là một trong ba vùng sinh thái có diện tích đất dốc, đất gò đồi chiếm tỉ lệ lớn. Trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp đang phải thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt. Hiện toàn vùng có khoảng 170.000 ha diện tích vùng gò đồi trồng một số loại cây rau màu, cây ăn quả, cây dược liệu, cây công nghiệp. Từ thực tiễn sản xuất, có nhiều loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của miền Trung. Nhiều mô hình, giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao như hồ tiêu, thanh long ruột đỏ, các loại cây dược liệu gồm: sâm Bố Chính, cà gai leo, đinh lăng, nghệ, sả chanh… Các mô hình bước đầu mang lại nguồn thu nhập ổn định, giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích chuyển đổi đạt từ 50 -150 triệu đồng/ha, thu lãi 10-50 triệu đồng/ha/vụ. Nhiều hộ nông dân thực sự thoát nghèo và vươn lên khấm khá. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng đất gò đồi ở các tỉnh miền Trung đang gặp nhiều khó khăn: quy hoạch manh mún, thiếu tập trung; thị trường tiêu thụ bấp bênh, thiếu sự gắn kết; việc cơ giới hóa nông nghiệp và áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế; chịu ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết... Các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng gò đồi chưa thực sự tạo động lực cho người nông dân. Tại diễn đàn, nhiều nông dân đang muốn thực hiện chuyển đổi cao su sang trồng cây dược liệu cà gai leo nhưng lo ngại kỹ thuật trồng và đầu ra sản phẩm. Về vấn đề này, ông Phan Văn Tiến, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp xanh Quảng Bình chia sẻ, muốn trồng và phát triển loại cây cà gai leo hiệu quả và tạo đầu ra sản phẩm ổn định, điều quan trọng là nông dân cần tham quan thực tế các mô hình, đơn vị sản xuất loại dược liệu này; học hỏi và nắm vững các kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến. Nông dân cần năng động, nắm bắt nhu cầu thị trường, trực tiếp làm việc với các đơn vị bao tiêu sản phẩm để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình.
Các đại biểu tham quan mô hình trồng cam theo hướng VietGap của ông Bế Văn Mai, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Ảnh: Võ Dung-TTXVN
 Các đại biểu tham quan mô hình trồng cam theo hướng VietGap của ông Bế Văn Mai, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Ảnh: Võ Dung-TTXVN
Một số hộ nông dân băn khoăn trong việc chọn lựa loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu vùng gò đồi miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Quốc Mạnh, đại diện Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, ngoài các cây trồng truyền thống, nông dân có thể trồng cây có múi, cây dược liệu, cây ăn quả khác nhưng đặc biệt phải đáp ứng được các yêu cầu về trình độ canh tác, không phát triển ồ ạt diện tích và phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường. Ngoài ra, những thắc mắc của nông dân về chủ trương, chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng vùng gò đồi, về quy trình kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu cao của thị trường trong nước và xuất khẩu… cũng đã được ban cố vấn gồm các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp giải đáp cặn kẽ. Để nâng cao hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi các tỉnh miền Trung, ông Trần Văn Khởi lưu ý, các địa phương cần xác định và quy hoạch phát triển cây con thế mạnh, phù hợp thực địa từng vùng. Địa phương cần có cơ chế, chính sách linh hoạt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất với người dân; hình thành và vận hành tốt các tổ chức của nông dân vững mạnh như hợp tác xã kiểu mẫu, tổ hợp tác, câu lạc bộ; ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất; đề xuất và thực thi tốt các chính sách của nhà nước cho sản xuất nông nghiệp…
Võ Dung

Có thể bạn quan tâm