Chuyển đổi cây trồng giúp người dân miền núi Thanh Hóa nâng cao thu nhập. Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Cẩm Thủy, những năm trước đây, người dân thường trồng các giống lúa, ngô, rau màu, cây hái quả cho năng suất thấp nên thu nhập kém, cuộc sống luôn vất vả quanh năm.
Trước thực tế đó, huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể, trung tâm tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho người dân; xây dựng mô hình trình diễn các loại cây trồng mới, phát triển vùng thâm canh lúa giai đoạn 2016 - 2020.
Huyện đã chỉ đạo người dân bỏ các giống lúa lai Trung Quốc, lúa thuần chất lượng thấp để thay thế bằng các giống lúa mới có tốc độ sinh trưởng nhanh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng như: các giống Lam Sơn 8, Thiên ưu 8, DQ11... Các giống lúa mới này đã giúp cho huyện xây dựng được vùng thâm canh cây lúa năng suất, chất lượng cao trên địa bàn các xã Cẩm Thạch, Cẩm Bình, Cẩm Phong, Cẩm Tú và Cẩm Vân với diện tích 250 ha, nâng tổng diện tích vùng thâm canh lúa toàn huyện lên 500 ha.
Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng mía, ngô, rau màu khác với diện tích hơn 110 ha. Giống cây ngô Đông được trồng trên đất 2 lúa đạt xấp xỉ 846 ha. Tính riêng vụ Đông năm 2017, huyện đã chỉ đạo người dân trồng các loại cây nông nghiệp trên đất 2 lúa đạt 2.000 ha; xây dựng 4 km kênh mương, làm 5 km đường nội đồng phục vụ trồng trọt.
Huyện Cẩm Thủy còn thực hiện nhiều mô hình trồng cây mới mang lại hiệu quả cao như: liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; mô hình trồng cây gai; mô hình cơ giới hóa trong sản xuất... Ngoài hỗ trợ máy làm đất, máy gặt đập thông qua các chương trình, người dân cũng chủ động bỏ tiền mua máy để sản xuất.
Dịch vụ tưới tiêu, dẫn nước được Công ty TNHH một thành viên Sông Chu, chi nhánh Cẩm Thủy thực hiện tại các xã, thị trấn nhằm đảm bảo nước cho gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng. Huyện đã chọn 12 hợp tác xã dịch vụ để ký hợp đồng liên kết sản xuất gắn với đầu ra cho sản phẩm trên diện tích 311 ha; trong đó, trồng cây ngô làm thức ăn chăn nuôi 286 ha, ớt xuất khẩu 15 ha, khoai tây 5 ha, bí xanh 5 ha.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy có nhiều công ty, doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt. Điển hình như Công ty TH True milk đầu tư trồng, bao tiêu sản phẩm ngô làm thức ăn chăn nuôi cho bò sữa với diện tích gần 300 ha/năm; Công ty CP xuất nhập khẩu An Phước thực hiện chương trình phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn huyện Cẩm Thủy với diện tích 32 ha...
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, bên cạnh những thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực tế vẫn còn đó những hạn chế như: sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún; chuyển dịch cơ cấu cây trồng chậm; số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít. Chậm nhân rộng các mô hình sản xuất mới; công tác chỉ đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, cơ cấu giống, cải tạo vườn tạp tại một số đơn vị hiệu quả chưa cao.
Thời gian tới, huyện Cẩm Thủy tiếp tục hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế theo chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với đó, huyện phối hợp với các nhà máy mía đường, các trạm nông vụ chuẩn bị các điều kiện cần thiết trước khi bước vào vụ thu hoạch mía nguyên liệu 2017 - 2018; đồng thời chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp để liên kết sản xuất, bao tiêu một số loại cây trồng như: ớt, bí xanh, chanh, sắn dây, củ đậu, lúa chất lượng cao.
Nguyễn Nam