Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác thăm trung tâm y tế thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Ảnh Đặng Tuấn – TTXVN |
Dự án "Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2” từ nguồn vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được triển khai từ năm 2014-2019. Dự án nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống y tế 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng), đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân các tỉnh thuộc dự án, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng thiệt thòi khác.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, cần quan tâm các chỉ số đầu ra của dự án như: Chất lượng nguồn nhân lực, khám chữa bệnh, thái độ phục vụ, môi trường xanh sạch đẹp; giảm chuyển tuyến trên đáp ứng sự hài lòng của nhân dân vùng Tây Nguyên trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Theo đó, dự án bao gồm 3 hợp phần: Tăng cường chăm sóc sức khỏe tại tuyến xã; cải thiện chất lượng và tiếp cận dịch vụ y tế tại bệnh viện; tăng cường năng lực quản lý tại các tuyến. Dự án được chia thành 6 nội dung hoạt động là xây dựng cơ bản, mua sắm đấu thầu, tuyến tư vấn, đào tạo, truyền thông, quản lý dự án.
Qua hơn 4 năm thực hiện (từ tháng 6/2014), tất cả các hoạt động như: Mua sắm ô tô cứu thương, thiết bị y tế, thiết bị văn phòng, tuyển chọn tư vấn, xây dựng cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực, truyền thông… đã được triển khai thực hiện đồng bộ ở cả tuyến Trung ương và địa phương. Về xây dựng cơ bản: Dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp sửa chữa 83 công trình với tổng kinh phí 21,439 triệu USD. Hỗ trợ đào tạo cả dài hạn (chuyên khoa I và chuyên khoa II, bác sĩ liên thông) và ngắn hạn về chuyên môn, năng lực quản lý cho cả tuyến huyện, tuyến xã. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông và phát triển cộng đồng của dự án nhằm tăng cường hoạt động tại cộng đồng, thay đổi hành vi của cộng đồng tại vùng sâu, vùng xa về phòng chống bệnh, tiếp cận, sử dụng hiệu quả dịch vụ y tế cũng như lợi ích của bảo hiểm y tế.
Theo đánh giá, đến cuối tháng 12/2018, số liệu giải ngân lũy kế toán dự án đạt 33%. Dự án phấn đấu hoàn thành các hoạt động vào quý 3 đầu năm 2019 để giải ngân khi kết thúc dự án đạt 92%.
Riêng tại Lâm Đồng có 3 đơn vị thuộc huyện Đơn Dương được lựa chọn triển khai mô hình điểm về y tế cơ sở giai đoạn 2018 - 2020 gồm thị trấn Thạnh Mỹ, các xã Quảng Lập và Đạ Ròn. Cả 3 đơn vị đã được công nhận xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: Các phần mềm hiện nay nhiều, đang trong quá trình thử nghiệm; không liên thông được dữ liệu quản lý để phục vụ quản lý sức khỏe người dân; khi thực hiện các phần mềm không giảm được hồ sơ sổ sách mà đang tăng khối lượng công việc cho cán bộ tại trạm y tế. Bên cạnh đó, chưa có phần mềm quản lý sức khỏe tại Trạm y tế có thể kết nối được các thông tin dữ liệu dân số - hộ gia đình, dữ liệu tham gia bảo hiểm y tế và liên thông dữ liệu về khám chữa bệnh của người dân ở các tuyến, tiêm chủng, phòng chống dịch…
Đại diện Sở Y tế Lâm Đồng cho rằng, hiện nay có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn nhưng còn chồng chéo, bất cập; đặc biệt liên quan đến khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, phụ cấp cho nhân viên y tế thôn bản còn thấp; chưa có quy định, hướng dẫn kinh phí chi cho trạm y tế để lập hồ sơ quản lý sức khỏe...
Các đại biểu kiến nghị Bộ Y tế thời gian tới cần cung cấp phần mềm quản lý đồng bộ tại trạm y tế, có thể cập nhật và liên thông dữ liệu, phục vụ quản lý sức khỏe toàn dân; quản lý các hoạt động tại trạm y tế, thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo nguyên lý y học gia đình. Cùng với đó là rà soát để thống nhất, đồng bộ hóa danh mục kỹ thuật; phân loại phẫu thuật thủ thuật và danh mục giá viện phí; hướng dẫn về điều kiện thủ tục hành chính cấp phép hoạt động cho Phòng khám bác sĩ gia đình.