Sáng 6/9, lễ đón chính thức Tổng thống Francois Hollande đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch. Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì lễ đón.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp Francois Hollande duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam tại Lễ đón. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN |
Cũng trong sáng 6/9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Tổng thống Francois Hollande.
Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Francois Hollande đã chứng kiến lễ ký kết các văn bản thỏa thuận, hợp đồng kinh tế và trao đổi các văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Francois Hollande đã phát biểu với báo chí Việt Nam và quốc tế về quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Pháp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN |
Sau đây là nội dung phát biểu với báo chí của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Francois Hollande.
* Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Đưa quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước phát triển hiệu quả và thực chất hơn
"Thưa Ngài Tổng thống, các bạn phóng viên thân mến.
Tôi và Ngài Tổng thống Francois Hollande vừa có cuộc hội đàm rất hữu ích. Trên tinh thần tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, chúng tôi đã trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương. Chúng tôi cũng đã trao đổi một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Ngài Tổng thống Francois Hollande rất có ý nghĩa, quan hệ Việt Nam - Pháp đang chuyển sang một giai đoạn mới và tôi tin tưởng chắc chắn rằng, chuyến thăm sẽ tạo xung lực quan trọng đưa quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước phát triển hiệu quả và thực chất hơn.
Trong cuộc hội đàm, tôi và Ngài Tổng thống đã nhất trí đánh giá, kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2013, quan hệ hai nước đã và đang phát triển tích cực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển cũng như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và giao lưu, trao đổi văn hóa.
Tôi và Ngài Tổng thống nhất trí Việt Nam và Pháp cần hướng tới một tầm nhìn hợp tác dài hạn, đáp ứng lợi ích và quan tâm chung của hai nước. Trước hết, quan hệ chính trị phải được thắt chặt hơn.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN |
Về kinh tế, chúng tôi nhất trí khuyến khích các doanh nghiệp hai nước hướng tới thiết lập các đối tác kinh tế và công nghiệp trên cơ sở chuyển giao công nghệ và hai bên cùng có lợi. Hai nước sẽ đặc biệt chú trọng đến các dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng, hàng không, nông nghiệp và chế biến thực phẩm, y tế, môi trường… Tôi vui mừng thông báo: Pháp sẽ là Quốc gia danh dự tại Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2017 (Vietnam Foodexpo) được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng, trong đó có việc: Triển khai đối thoại chiến lược về quốc phòng, hợp tác trang thiết bị, quân y, thăm viếng tàu quân sự; Pháp hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; hợp tác về các vấn đề an ninh trên biển và trên không.
Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác về khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, giáo dục - đào tạo. Chúng tôi đã nhất trí hợp tác chặt chẽ bảo đảm cho sự thành công của Hội nghị lần thứ 10 hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp sẽ diễn ra từ ngày 14 - 16/9/2016, tại Cần Thơ, Việt Nam.
Việt Nam và Pháp tiếp tục ủng hộ lẫn nhau nhằm phát triển quan hệ của Pháp với châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu. Hai bên sẽ tăng cường phối hợp trên các diễn đàn đa phương, tích cực chuẩn bị Hội nghị cấp cao Pháp ngữ tháng 11 tới tại Madagascar.
Việt Nam đánh giá cao vai trò của Pháp trong việc chống biến đổi khí hậu với thành công của COP 21 (Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 tại Paris, Pháp tháng 11/2015). Ngài Tổng thống và tôi nhất trí hai nước cần tăng cường hỗ trợ nhau để thực hiện cam kết trên lĩnh vực này.
Tôi và Ngài Tổng thống khẳng định tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương; tái khẳng định cam kết duy trì tự do hàng hải, hàng không. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hai bên một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC.)"
* Tổng thống Pháp Francois Hollande: Việt Nam là quốc gia có vị trí quan trọng ở khu vực Đông Nam Á
Thưa ngài Chủ tịch nước, tôi xin cảm ơn lời mời và sự đón tiếp hết sức nồng hậu mà Ngài Chủ tịch nước đã dành cho cá nhân tôi và đoàn đại biểu Cộng hòa Pháp. Đây không phải lần đầu tiên một Tổng thống Pháp đến thăm Việt Nam, nhưng chuyến thăm gần đây cũng đã gần 12 năm trước. Cố Tổng thống Francois Mitterrand đã thăm Việt Nam năm 1993 để gắn kết lại quan hệ hai nước. Sau đó ngài Tổng thống Jacques Chirac đã đến thăm Việt Nam hai lần với mong muốn làm sao quan hệ Pháp - Việt Nam tiếp tục có sự phát triển. Và chuyến thăm của tôi lần này với mong muốn có luồng gió mới cho quan hệ Đối tác Chiến lược mà hai nước đã ký năm 2013.
Như ngài Chủ tịch nước vừa nói, quan hệ Đối tác Chiến lược Pháp - Việt Nam hiện nay có 3 điểm chính.
Về chính trị, chúng tôi mong muốn củng cố quan hệ Đối tác Chiến lược về chính trị, làm sao có các cuộc đối thoại thường xuyên giữa Bộ Quốc phòng hai nước trên tinh thần tin tưởng lẫn nhau, để cùng nhau giải quyết những vấn đề trong khu vực, hay nói rộng hơn là trên toàn cầu. Chúng ta đã có những nguyên tắc và những nguyên tắc này đã được nhắc lại: Tự do giao thông, tôn trọng công ước quốc tế về luật Biển và đối thoại là biện pháp để giải quyết các tranh chấp khi có tranh chấp nảy sinh. Chúng tôi cũng mong muốn ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc gìn giữ an ninh hải phận và không phận của nước mình. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình dưới sự chỉ đạo của Liên hợp quốc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp Francois Hollande chứng kiến Lễ ký một số văn kiện hợp tác giữa hai nước, sau khi kết thúc hội đàm. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN |
Chúng tôi cũng mong muốn phát triển quan hệ trong lĩnh vực kinh tế. Chúng tôi vừa chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, ví dụ như trong ngành hàng không. Tôi muốn cám ơn các hãng hàng không Việt Nam đã tin tưởng vào sản phẩm của chúng tôi và mong muốn các đường bay giữa hai nước được mở nhiều hơn. Cùng với đó, nhiều hợp đồng hết sức quan trọng đã được ký kết, ví dụ như dự án về xây dựng tuyến tàu điện ngầm.
Chúng tôi cũng đã thảo luận về việc huy động các nguồn lực để phát triển trong các lĩnh vực, ví dụ như thủy điện, năng lượng tái tạo hay hạt nhân. Chúng tôi mong muốn chia sẻ với Việt Nam những phát minh, kết quả đạt được trong nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến.
Việt Nam là quốc gia có vị trí quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, có sự tăng trưởng hết sức ấn tượng. Đây là điểm rất đáng chú ý. Hơn 300 doanh nghiệp Pháp đã đến Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau, từ lương thực, thực phẩm cho đến các ngành công nghệ tiên tiến. Chúng tôi mong muốn có những liên doanh mới mở trong lĩnh vực này giữa doanh nghiệp hai nước Pháp và Việt Nam. Cá nhân tôi mong muốn qua chuyến thăm này củng cố mối quan hệ kinh tế, cùng đó là làm sao tăng cường sự hiện diện của các doanh nghiệp Pháp ở Việt Nam, để các doanh nghiệp có thể tham gia nhiều hơn vào thị phần tại hai nước.
Một điểm nữa trong quan hệ Đối tác Chiến lược là lĩnh vực văn hóa, nghiên cứu khoa học... Chúng ta có quan hệ lâu đời, và trong quá trình phát triển lịch sử đó, trên lĩnh vực y tế hai nước đã có nhiều mối quan hệ, như các dự án giữa trường đại học của Pháp với các nhà nghiên cứu, bác sĩ và các trường đại học Việt Nam, ví dụ như dự án hợp tác hai nước tại Viện Tim (Thành phố Hồ Chí Minh). Sẽ còn có nhiều dự án hợp tác như vậy, và sẽ thành công giống như vậy. Nhân đây tôi xin hoan nghênh các bác sĩ người Pháp và người Việt Nam, cũng như các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, đã đóng góp vào việc củng cố quan hệ hai nước về y tế... Tôi mong rằng, văn hóa sẽ là một trục phát triển trong quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước. Như các bạn biết, trong các năm 2013, 2014 đã có rất nhiều sự kiện để giới thiệu nền văn hóa Pháp đến với nhân dân Việt Nam và giới thiệu văn hóa Việt Nam đến nhân dân Pháp.
Quan hệ Pháp - Việt Nam có điểm chung đưa hai nước gần lại với nhau đó là khối Pháp ngữ. Theo tôi được biết, năm 1997 Việt Nam đã đăng cai Hội nghị thượng đỉnh các nước có sử dụng tiếng Pháp (Francophonie lần thứ 7). Và như Ngài Chủ tịch nước vừa thông báo, Lãnh đạo hai nước tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới (Francophonie lần thứ 16 vào tháng 11 tại Madagascar) để thúc đẩy tiếng Pháp được giảng dạy nhiều hơn nữa tại các nước trong khối Pháp ngữ, đặc biệt là ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng việc giảng dạy tiếng Pháp ở Việt Nam sẽ giúp quan hệ giữa hai nước chúng ta phát triển hơn. Tôi biết rằng hiện có khoảng 300 nghìn Việt kiều đang sinh sống ở Pháp. Đó là những cầu nối giữa hai dân tộc và Việt kiều ở Pháp đã nỗ lực tận dụng mối quan hệ, sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước để đưa hai nước gần với nhau hơn. Ngoài ra, về lĩnh vực du lịch, hiện Việt Nam mỗi năm đón tiếp rất nhiều du khách Pháp.
Tất cả những thành quả nói trên, ngoài vấn đề lịch sử, trong quá trình phát triển, quan hệ hai nước cũng có những thăng trầm. Tuy nhiên, chính lịch sử quan hệ gắn bó lâu đời đã đưa hai nước đến gần với nhau hơn.
Chúng tôi cũng đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh COP 21 mới đây. Tôi biết rằng Việt Nam cũng trăn trở rất nhiều trước hiện tượng thay đổi môi trường, vì Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là vùng bị ảnh hưởng rất lớn do hiện tượng thay đổi môi trường. Ngài Chủ tịch nước mong muốn vấn đề thay đổi môi trường được coi là một điểm chính trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược để thúc đẩy các tác nhân kinh tế giữa hai nước đến gần với nhau. Sắp tới sẽ có hội nghị để các địa phương, các doanh nghiệp ở cấp địa phương đến gần với nhau, cùng làm việc với nhau./.