Chủ động phòng tránh thời tiết cực đoan đầu mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên

Chủ động phòng tránh thời tiết cực đoan đầu mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên
Người dân xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai sửa sang nhà cửa sau khi bị dông, lốc gây tốc mái. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Người dân xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai sửa sang nhà cửa sau khi bị dông, lốc gây tốc mái. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Ông Trần Trung Thành, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết, theo dự báo, mùa mưa năm 2020 tại Tây Nguyên sẽ đến muộn hơn so với các năm trước, phía Nam Tây Nguyên khoảng cuối tháng 4, phía Bắc Tây Nguyên khoảng nửa đầu tháng 5. Theo nhận định, từ nay đến thời điểm bắt đầu mùa mưa sẽ xảy ra một đến hai đợt mưa trái mùa, với diện mưa tương đối rộng trên địa bàn Tây Nguyên. Cá biệt, chiều 8/4, trong khu vực đã xảy ra mưa rào trên diện rộng, với lượng mưa tương đối khá, như ở Lạc Dương (Lâm Đồng) đo được lượng mưa 118mm; Đắk Đoa (Gia Lai) đo được 38,4mm. Bên cạnh đó, trong cơn mưa, nhiều nơi xảy ra dông, sấm sét, lốc tố cục bộ.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do thời điểm giữa và cuối mùa khô, khu vực Tây Nguyên có nhiệt độ cao, độ ẩm tương đối khá. Bên cạnh đó, trong các ngày 7 và 8/4, khu vực chịu tác động của không khí lạnh với cường độ khá mạnh ở phía Bắc. Vì vậy, nhiễu động sẽ tạo điều kiện bất ổn định của không khí, gây ra những đợt mưa trái mùa. Cộng với điều kiện nóng ẩm lâu ngày nên trong cơn mưa sẽ kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan.

“Cuối năm 2019, khu vực Tây Nguyên đã có Radar thời tiết. Nhờ đó, chúng tôi phát hiện ra các hiện tượng dông, sét trước khi xảy ra từ 1 – 2 giờ, phát đi các bản tin kịp thời cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của các tỉnh cũng như các Đài Phát thanh và Truyền hình để thông báo cho người dân”, ông Trần Trung Thành cho biết thêm.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng, đặc thù của các trận dông, sét là hình thành cực nhanh, chỉ khoảng 1 – 2 giờ, thậm chí là 30 – 40 phút, nên các bản tin thông báo thường khó đến được với người dân kịp thời. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu để có phương thức truyền tin nhanh nhất đến với người dân, có thể thông qua các hệ thống truyền tin nhanh hiện nay như tin nhắn điện thoại, mạng xã hội Facebook, Zalo,… để người dân phòng, chống kịp thời.

“Bà con cần lưu ý, đối với những ngày thời tiết oi ả, nóng bức, đến chiều có mây kéo đến, trời lạnh, lặng gió thì gần như sắp tới sẽ xảy ra một đợt mưa dông, lốc tố tương đối mạnh. Khi đó, bà con cần thực hiện các biện pháp gia cố nhà cửa. Nếu đang đi làm đồng, bà con không trú mưa dưới tán cây to, không đi ra các khu đồng trống, không vác các dụng cụ sản xuất như cuốc, xẻng, ngồi xuống để hạ thấp trọng tâm nhằm tránh thiệt hại do hiện tượng sấm sét”, ông Trần Trung Thành khuyến cáo.

Trước đó, khoảng 18 giờ chiều 8/4, trên địa bàn xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã xuất hiện cơn mưa lớn, kèm theo gió giật mạnh, khiến 16 căn nhà bị tốc mái và 4 nhà bị đổ tường rào, ước tính thiệt hại trên 300 triệu đồng. Đa số các hộ dân bị ảnh hưởng là người đồng bào dân tộc thiểu số, có điều kiện kinh tế khó khăn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Ia Sao cho biết, ngay trong sáng 9/4, chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng dân quân xã, các ban, ngành, đoàn thể xuống nắm tình hình thiệt hại của người dân. Đồng thời, các đơn vị của xã đã hỗ trợ 2,5 triệu đồng cho các hộ dân có nhà bị tốc mái hoàn toàn, hỗ trợ 1,7 triệu đồng cho các hộ có nhà bị tốc mái một phần; chỉ đạo lực lượng dân quân, Đoàn thanh niên xã phối hợp với các hộ dân bị thiệt hại sửa chữa nhà tạm thời, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Dư Toán
TTXVN

Có thể bạn quan tâm