Chủ động phòng dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2016

Chủ động phòng dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2016

Ngày 27/1, tại buổi gặp mặt báo chí về dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2016, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc cho biết: Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016 các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi như MERS-CoV tiếp tục ghi nhận tại khu vực Trung Đông; bệnh cúm A(H7N9) vẫn xảy ra tại Trung Quốc; các trường hợp nhiễm vi rút Zika do muỗi Aedes truyền gia tăng tại khu vực châu Mỹ luôn có nguy cơ rất lớn xâm nhập vào nước ta. Tại Việt Nam, hiện đang là mùa đông – xuân, sự gia tăng sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội làm tăng nguy cơ bùng phát dịch, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp (cúm, sởi, thủy đậu...), các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và bệnh do muỗi truyền.

Nhân viên y tế tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho đồng bào dân tộc xã Dân Hóa huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Nhân viên y tế tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho đồng bào dân tộc xã Dân Hóa huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

* Bệnh sởi

 

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, năm 2014, cả nước có 5.862 trường hợp mắc bệnh sởi và năm 2015 có 368 trường hợp mắc. Bệnh lây qua đường hô hấp, dễ gây thành dịch. Bệnh đã có vắc xin phòng bệnh và cần được tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi.

 

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Biểu hiện của bệnh là sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp; có thể có biến chứng viêm phổi, tiêu chảy, khô giác mạc, viêm não.

 

Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ đúng lịch; không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi nhiễm bệnh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Cha mẹ thường xuyên giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ, phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, người lớn cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

 

* Bệnh thủy đậu

 

Năm 2014, cả nước có 16.626 trường hợp mắc bệnh thủy đậu; năm 2015 có khoảng 14.077 trường hợp mắc bệnh. Bệnh thường lây qua đường hô hấp, thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Bệnh có vắc xin phòng bệnh và tiêm khi trẻ được 12 tháng tuổi.

 

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Varicella Zoter gây ra. Biểu hiện của bệnh là mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và các nốt phát ban đỏ bắt đầu ở vùng da đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.

 

Để phòng chống bệnh thủy đậu, các gia đình phải cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh từ 12 tháng tuổi; hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày khi bắt đầu phát hiện bệnh.

Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý; vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

 

* Cúm gia cầm

 
Cán bộ thú y huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm cho đàn vịt của người dân. Ảnh: Thanh Liêm-TTXVN
Cán bộ thú y huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm cho đàn vịt của người dân. Ảnh: Thanh Liêm-TTXVN

Cục Y tế dự phòng cho biết: Ở nước ta, tình hình dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục ghi nhận tại nhiều tỉnh, thành phố với 62 ổ dịch cúm trên gia cầm gây ra bởi 2 chủng vi rút là chủng cúm A(H5N1) và chủng cúm A(H5N6). Các ổ dịch cúm xảy ra chủ yếu ở hộ gia đình, xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh chỉ xuất hiện từ 1 đến 2 hộ có dịch. Tuy nhiên, các ổ dịch đã được xử lý triệt để, không lây lan rộng ra cộng đồng. Tại khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ, chủ yếu lưu hành chủng vi rút cúm A(H5N6), còn chủng vi rút cúm A(H5N1) chủ yếu lưu hành ở khu vực phía Nam. Theo báo cáo giám sát của các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong năm 2015 và tháng đầu năm 2016, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), cúm A(H7N9) và cúm A(H5N8) trên người .

 

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Để phòng chống bệnh cúm gia cầm lây lan sang người, người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dân tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời...

 

* Chủ động kiểm soát dịch bệnh

 

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trương Đình Bắc nhấn mạnh: Trước tình trạng diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới và trong nước, Bộ Y tế đề nghị Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt và triển khai ngay từ đầu năm kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2016.

 

Địa phương triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu, cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, đặc biệt là các ổ dịch cũ, các trường hợp về từ vùng có dịch; tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh; lưu ý các bệnh: MERS – CoV, cúm A(H7N9), Cúm A(H5N1), ho gà, bạch hầu, sởi, tay chân miệng... không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.

 

Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố p hối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh để nắm chắc tình hình bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nhập viện trong dịp tết Nguyên đán và trong mùa lễ hội đầu năm để phát hiện sớm các ổ dịch cũng như chia sẻ tình hình dịch bệnh tại cộng đồng để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở y tế; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm hạn chế tối đa các bệnh lây truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.

 

Địa phương chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch; sẵn sàng các đội cơ động phòng chống dịch, tổ chức thường trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ lễ, tết để kịp thời triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.../.

Có thể bạn quan tâm