Chọn đề tài - một ranh giới của đạo đức nghề nghiệp

Chọn đề tài - một ranh giới của đạo đức nghề nghiệp
Anh được đánh giá là một nhà báo dồi dào về bút lực và có cái nhìn nhân văn khi lựa chọn đề tài cho các trang viết của mình. Nhà báo Phùng Nguyên đã trải lòng với Tin Tức về những trăn trở của một người viết báo, khi đứng trước ranh giới mỏng manh của việc khai thác các yếu tố giật gân câu khách, hay lựa chọn hướng phát triển nhân văn cho các bài viết của mình.
Trong thời gian hơn 15 năm đi và viết phóng sự, phóng sự điều tra, tôi nhận thấy nhiều khi lựa chọn đề tài cũng thể hiện rõ đạo đức nghề nghiệp. Ranh giới giữa đạo đức và thiếu đạo đức có thể quyết định qua cách chọn góc độ để khai thác. 

Giật gân hay nhân văn?

Năm 2014, tôi nhận được lá thư của một cử nhân gửi qua đường bưu điện tới báo Tiền Phong, xin… đi tù. Cử nhân sử học Lê Hồng Lĩnh viết thư xin được đi tù vì đang thất nghiệp, bế tắc. Lĩnh nghĩ nếu ra tù sẽ dễ xin việc hơn vì Nhà nước có chính sách ưu tiên tạo việc làm cho những người từng thụ án. Căn cứ vào lá thư này, tôi có thể viết về Lĩnh như một cử nhân có thần kinh không bình thường, đang yên đang lành bỗng dưng xin vào tù. Vì chẳng có người bình thường nào, nhất lại là đã từng tốt nghiệp đại học lại có nguyện vọng “điên khùng” như vậy. 
 
Chọn đề tài - một ranh giới của đạo đức nghề nghiệp ảnh 1
Cách chọn đề tài thể hiện rõ đạo đức nghề nghiệp của phóng viên.
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Chỉ cần dựa vào lá thư, có thể dựng lên chân dung một cử nhân “điên”, bài báo chắc chắn sẽ có nhiều người đọc, độ an toàn thông tin vẫn cao. Nhưng nếu cử nhân kia viết thư xin đi tù một cách tỉnh táo và có những nguyên cớ riêng thì một bài báo kiểu như vậy có thể khiến Lê Hồng Lĩnh bị điên thật. Tôi đứng trước một lựa chọn khác: Gặp Lĩnh để tìm hiểu vì sao lại viết lá thư kỳ lạ như vậy? Cách này sẽ vất vả hơn vì phải về tận Hà Tĩnh để gặp Lĩnh và nếu Lĩnh điên thật thì coi như chẳng có gì để viết nữa. 

Và tôi đã chọn cách thứ hai. Gặp Lĩnh trò chuyện, tìm hiểu mới thấy anh hoàn toàn tỉnh táo và việc viết thư xin đi tù vì cuộc sống quá bế tắc, sau nhiều gắng gỏi đi xin việc nhưng 35 tuổi vẫn thất nghiệp. Có thể nói đây là trường hợp điển hình của tình trạng cử nhân không xin được việc làm lúc bấy giờ. Bài phóng sự “Một cử nhân viết thư xin được vào tù”, đăng trên Tiền Phong đã gây xôn xao dư luận, trong đó chân dung cử nhân Lê Hồng Lĩnh hiện lên không phải như một người điên mà hoàn toàn bình thường và xứng đáng nhận được sự thông cảm, chia sẻ của bạn đọc. Sau đó, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã gặp Lĩnh, nhiều cơ quan, doanh nghiệp sẵn sàng nhận cử nhân này đi làm. Tôi cứ nghĩ nếu mình chọn góc độ viết Lĩnh như một kẻ bị thần kinh thì có thể sau khi bài báo ra, anh phải đến viện tâm thần. 

Với tôi, ngay cả khi viết về những người tâm thần thực sự thì cũng không phải để khai thác những chi tiết điên loạn kiểu “nhặt lá đá ống bơ” để mua vui cho bạn đọc. Hãy tìm sau những biểu hiện điên loạn đó những chi tiết, những nguyên cớ đầy tính nhân văn, bởi vì nếu không ngòi bút của nhà báo sẽ trở nên vô cảm thậm chí độc ác và có thể làm người ta “điên” thêm một lần nữa. 

Khi tôi đến bệnh viện tâm thần ban ngày Hà Nội, gặp một cô gái bị thần kinh, hay bị ám ảnh mình là một hạt thóc còn những người khác là con gà. Hỏi ra, mới biết cô gái lấy chồng 15 năm rồi mà vẫn trinh nguyên vì người chồng mắc bệnh, không có chức năng đàn ông, trong khi nhà chồng lại nghĩ cô này “không biết đẻ”. Căng thẳng kéo dài, không biết chia sẻ với ai, cô gái mắc bệnh thần kinh ở dạng nhẹ. Đề tài này nếu khai thác ở góc độ giật gân lá cải thì sẽ rất ăn khách nhưng nếu nhìn ở góc độ nhân văn về thân phận một người phụ nữ thì cũng khiến người đọc rơi nước mắt. 

Quan tâm đến số phận con người

Thực tế cho thấy không phải cứ viết ở góc độ giật gân, lá cải thì nhiều người đọc, còn lựa chọn theo hướng nhân văn thì ít “view”. Khi tôi đi thực tế trong trại giam, phỏng vấn trùm ma túy Dũng “đui”, tôi bỏ qua hướng khai thác thông tin hình sự của vụ án để đi sâu vào tâm hồn của một tên tội phạm tưởng như đã mất hết tính người. Tôi đã bắt gặp một thế giới nội tâm đầy giằng xé, trong đó có những nỗi sợ, có sự sám hối dằn vặt day dứt, có tình cha con, tình vợ chồng. Bài phóng sự : “Hai nỗi sợ của trùm ma túy” viết theo hướng đó đã được rất nhiều bạn đọc đón nhận. Tôi nghĩ những gì viết từ trái tim sẽ đến với trái tim người đọc và những thông tin có chiều sâu nhân văn sẽ giúp họ suy ngẫm, có thể “nâng” họ lên, thay vì những thông tin giật gân câu khách đơn thuần mà thiếu đi cái tâm của người viết sẽ “kéo” bạn đọc xuống gần hơn với sự tầm thường, vô cảm. 

Tôi vẫn cho rằng, trong việc chọn đề tài để viết thì đạo đức của người làm báo nhiều khi là một kỹ năng. Phải làm sao có kỹ năng để phát hiện ra những yếu tố, những góc nhìn nhân văn trong đề tài và có kỹ năng thể hiện nó. Nhưng cũng có những trường hợp, nhìn thấy những yếu tố, góc độ nhân văn nhưng nhà báo vẫn muốn khai thác ở góc độ khác vì những động cơ khác. Vì vậy, có thể nói đạo đức cũng là một sự lựa chọn. Nhà báo có thể viết về người nông dân Đoàn Văn Vươn như một kẻ không chấp hành pháp luật và chống người thi hành công vụ. 

Khi vụ án Đoàn Văn Vươn mới xảy ra, nhiều bài báo đã viết ở góc độ này. Nhưng nhiều bài báo, tờ báo sau đó đã tìm hiểu bản chất câu chuyện để viết về Đoàn Văn Vươn như một người nông dân có công khai hoang phục hóa, bị cướp đất nên mới làm liều. Nếu tất cả các bài báo, tờ báo đều viết về Đoàn Văn Vươn ở góc độ “chống người thi hành công vụ” thì số phận người nông dân này chắc chắn sẽ rất bi thảm, chứ không thể kết thúc có hậu như chúng ta đã viết. Nói như vậy để thấy rằng lựa chọn đề tài, lựa chọn cách tiếp cận, lựa chọn góc nhìn của người làm báo có liên quan đến số phận nhân vật, đến dư luận xã hội thậm chí đến sự thành bại của một chủ trương chính sách. 

Nhà báo có quyền chọn đề tài, góc độ phản ánh, và quan tâm đến yêu tố nhân văn nhưng trên hết phải phản ánh đúng bản chất và xu hướng vận động của vấn đề. Điều này là kỹ năng, là trình độ, hay là đạo đức? Hay cả ba yếu tố đó hòa quyện lại, rất khó phân định. Tất cả phụ thuộc vào cái Tâm và Tầm của mỗi người cầm bút.
Các tác phẩm của nhà báo Phùng Nguyên: 

- Tập truyện ngắn Mùa phấn vàng đi qua (2004) 

- Tập phóng sự: Tử tù - những nỗi đau số phận (2005) Thung lũng mỹ nhân (2007), Từ xóm liều tới thảo nguyên xanh tươi (2014) 

- Tiểu thuyết: Thành phố không có cầu vồng (Giải C -Cuộc thi sáng tác Tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì ANTQ và bình yên cuộc sống” (2012 - 2015) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức).
Theo tintuc.vn
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm