Đưa mai vượt sóng ra Trường Sa |
Chim hải âu tung cánh ra biển lớn
Đến hẹn lại lên, vào những ngày này, quân cảng Cam Ranh lại rộn ràng hơn bao giờ hết. Giữa lồng lộng gió biển là bài quốc ca và những bài ca về biển đảo, là tiếng nói cười của những chàng trai tuổi 18, đôi mươi. Những chàng tân binh như “chim hải âu tung cánh ra biển lớn” - Đại tá Bùi Hải Phước - Tham mưu trưởng, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, nói với chúng tôi như vậy. Anh gọi những chàng tân binh ấy là chim hải âu - loài chim của biển bởi hải âu sải cánh trên biển cả bao la là hiện thân của sự bình yên. Và với Đại tá Bùi Hải Phước, người đã có gần 20 năm gắn bó với hải quân, những chàng tân binh hôm nay rồi cũng sẽ như chim hải âu tung cánh, kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ vẹn toàn vùng biển máu thịt của Tổ quốc. Trong đoàn quân hôm nay đang tiến về phía biển ấy, mỗi người một cảm xúc. Tân binh Hoàng Văn Hùng (19 tuổi) ra làm nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây đợt này chia sẻ: “Được khoác lên mình màu áo hải quân là mong ước từ thuở bé của em. Hôm nay, điều ước đó đã thành hiện thực. Em mong từng giờ để được lên tàu và hành trình ra đảo làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa”. Còn chiến sỹ Nguyễn Quang Huy và chiến sỹ Sầm Khắc Huy, những chàng trai tuổi đôi mươi lớn lên ở Sài Gòn hoa lệ, tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Cao Thắng ngành công nghệ thông tin nhưng vẫn xung phong lên đường ra đảo làm nhiệm vụ. Họ cùng tâm sự: “Đây là lần đầu tiên ăn tết xa nhà, nhưng được trở thành người chiến sỹ hải quân, được ăn tết trên đảo cùng đồng đội cũng là kỷ niệm đáng nhớ, là điều thật tự hào”. Cả hai chiến sỹ trẻ ấy đều khẳng định “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” nên dù có làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu của tổ quốc, các bạn trẻ vẫn cảm nhận được hơi ấm nơi quê nhà.
Trong thời khắc chia ly, họ hát vang những lời ca hùng tráng mà da diết “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đến đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta. Đảo này là của ta. Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua...”.
Đối với mỗi người dân Việt Nam “một dải biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau”. Đàn hải âu chiều nay tung cánh cho cả nước niềm tự hào và vững tâm khi nghĩ về Tổ quốc nơi trùng sóng.
Nỗi lòng người ở lại
Công tác trong lực lượng hải quân, đã bao lần tiễn chồng đi công tác ở đảo nhưng lần nào Đại úy Đậu Thị Lan cũng không thể cầm được nước mắt. Chị nói “biết anh đi rồi sẽ về, biết bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ thiêng liêng của người chiến sỹ hải quân mình. Cũng tự dặn lòng phải vui lên, phải kiên cường lên để anh yên tâm công tác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng lần nào tiễn anh nơi quân cảng mình lại không cầm được nước mắt”. Những người phụ nữ vai mang quân hàm dù rất kiên cường nhưng vẫn có phút yếu lòng hay nói đúng hơn đó là tình yêu của họ đối với người chồng là lính biển. Dõi theo bóng anh Nguyễn Ngọc Sơn đang bước lên cầu thang trên con tàu 571, chị Lê Thị Việt vội quay đi lau những giọt nước mắt. Hai vợ chồng chị đều công tác tại E292F377 Phòng Không không quân. Lần này Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn ra làm nhiệm vụ tại đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa. Đôi mắt của người phụ nữ đã 3 lần tiễn chồng ra đảo ấy vẫn đỏ hoe và ánh lên những yêu thương, niềm tin và cả sự hi sinh thầm lặng để chồng yên tâm canh giữ biển đảo quê hương.
Và không chỉ chị Lan, chị Việt mà còn có những người đàn ông khác, mái đầu đã bạc, vai mang quân hàm đang tiễn con lên đường ra đảo làm nhiệm vụ. Những ngôi sao trên vai ấy đủ biết họ đã trải qua quãng thời gian trong quân ngũ nhiều đến bao nhiêu, nhưng hôm nay trong đôi mắt những người cha nhiều năm gắn bó với biển đảo ấy cũng đỏ hoe vì xúc động.
Đưa đào, mai vượt sóng
Những con tàu đã hùng dũng hú còi và rẽ sóng ra khơi. Măng, miến, gạo nếp, lá dong, heo, gà hay cả đào của miền Bắc, mai vàng của miền Nam... đều đã sẵn sàng vượt sóng đến với đảo. Những thứ có thể dễ dàng mua ở bất cứ một phiên chợ nào ở đất liền nhưng lại quý giá biết bao nơi đảo xa. Và càng quý hơn khi những món quà tết ấy lại còn chứa đựng thêm bao thương nhớ nơi đất liền và cả giọt mồ hôi, tâm huyết của những người đồng đội trên hành trình vượt sóng gửi đến cán bộ, chiến sỹ Trường Sa. Trên con tàu 996 đến với các đảo phía Bắc của quần đảo Trường Sa như Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Trung úy Lê Văn Tới, Trung tá Nguyễn Châu Phong và nhiều cán bộ, chiến sỹ khác trên tàu đều cố gắng neo chặt hàng hóa trước khi tàu ra khơi. Đàn heo được lùa vào chuồng và che chắn cẩn thận, hoa tươi, mai đào được đặt ngay các lối đi để dễ dàng tưới nước. Những lương thực khô được sắp xếp lên tàu cẩn thận. Mỗi người một chức vụ, một đơn vị và nhận nhiệm vụ ở những đảo khác nhau nhưng tất cả đều chung mong muốn “đem thật nhiều hàng hóa ra đảo để anh em có cái tết đủ đầy như ở quê nhà”.
Vượt ngàn con sóng, đào, mai sẽ ra đến Trường Sa đúng dịp tết. Và ở trên mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc ngoài khơi sóng ấy, chúng sẽ nở hoa càng thêm thắm sắc. Xuân chưa ghé cửa nhưng dường như ai cũng đã nghĩ tới một Trường Sa ấm vị tết quê nhà.
Báo Lâm Đồng