Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần hài hòa lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp

Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần hài hòa lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp, thảo luận sôi nổi nhiều vấn đề được nêu trong dự thảo, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn, như: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; thời gian làm việc; tiền lương; tuổi nghỉ hưu; thương lượng tập thể; tranh chấp lao động; tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở; lao động nữ và bình đẳng giới…

Đa số các ý kiến đều cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo, tuy nhiên cần tiếp tục xem xét, cân nhắc một số điều cho phù hợp thực tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp và hơn hết là để luật dễ dàng đi vào cuộc sống.

Theo đó, tại hội nghị, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (gọi tắt là Công ty Minh Phú) lưu ý, hiện Công ty Minh Phú có khoảng 15.000 lao động hoạt động theo chuỗi giá trị khép kín. Từ nhiều năm qua, Công ty Minh Phú luôn dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Hiện nay, để bán được các sản phẩm thủy sản qua chế biến ra thị trường nước ngoài, ngoài những điều kiện như nhà xưởng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… các doanh nghiệp còn phải đảm bảo các chính sách về trách nhiệm xã hội. Tiêu chí này rất quan trọng đối với các đối tác nước ngoài, bởi đánh giá an sinh xã hội cũng đồng nghĩa với đánh giá sự tuân thủ Luật Lao động của Việt Nam đối với doanh nghiệp. Trước khi mua hàng, khách hàng nước ngoài sẽ thuê bên thứ ba để đánh giá an sinh xã hội của doanh nghiệp. Vì vậy, nếu Luật Lao động, nghị định, thông tư, quy định không phù hợp thì doanh nghiệp sẽ lãnh đủ thiệt hại.

Ông Lê Văn Quang dẫn giải, tại Điểm b, khoản 2, điều 106, Luật Lao động năm 2012 nêu: Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm…. “Trên thực tế, doanh nghiệp rất cần thêm giờ làm, đối với ngành tôm, cá nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung đều có tính thời vụ. Nếu sản xuất để giao hàng đúng hẹn cho khách thì phải tăng ca dẫn đến vi phạm thời gian làm thêm…”, ông Quang nói. Ông đồng thời kiến nghị, cần sửa lại luật nhằm bảo đảm giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, không quá 500 giờ trong 1 năm.

Một vấn đề khác được bà Lê Tú Trinh, Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Hải nêu là nên bổ sung các quy định cụ thể như: Điều 141 về trợ cấp khi lao động nghỉ chăm con ốm, khám thai… cần quy định rõ là trợ cấp cho lao động nam/nữ nghỉ chăm con nhỏ dưới 7 tuổi ốm, qua đó tạo điều kiện cho lao động có điều kiện chia sẻ trách nhiệm gia đình theo quy định của Luật Bình đẳng giới. “Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm nghĩa vụ của người sử dụng lao động, lao động nữ còn cho con bú cần được sắp xếp phù hợp theo nhu cầu của lao động nữ và phù hợp với khả năng của doanh nghiệp. Nội dung trên đã được quy định ở một số văn bản và triển khai thực tế, qua đó giúp người lao động có điều kiện chăm sóc con được tốt hơn, từ việc bổ sung quy định trên vào Bộ luật Lao động nhằm đảm bảo tính thực thi cao hơn đối với luật bảo vệ trẻ em”, bà Lê Tú Trinh kiến nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hận, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì, thẩm tra phối hợp với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, lấy ý kiến, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Bộ luật.
Huỳnh Anh

Có thể bạn quan tâm