Chăn nuôi heo hướng an toàn sinh học là biện pháp phòng các loại bệnh ở heo hiệu quả nhất hiện nay. Ảnh: lamnong.net |
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước, đã có 34 tỉnh/thành phố xảy ra dịch tả lợn châu Phi với 1,5 triệu con lợn phải tiêu hủy (chiến khoảng 4% tổng đàn lợn cả nước).
Tại buổi giao lưu trực tuyến với các hộ chăn nuôi, người tiêu dùng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức về chủ đề kiểm soát, ứng xử đúng với dịch tả lợn châu Phi mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, dịch tả lợn châu Phi đang tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan ra nhiều địa phương.
Nguyên nhân là do dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị. Thêm vào đó, đa số các hộ chăn nuôi lợn ở nước ta hiện nay có quy mô nhỏ lẻ, một số vùng có mật độ chăn nuôi cao nên việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, ngăn chặn các yếu tố làm lây lan dịch bệnh rất khó khăn. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; trong đó, thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học chính là biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất.
Theo ông Phùng Đức Tiến, an toàn sinh học trong chăn nuôi bao gồm một hệ thống biện pháp tổ chức quản lý và kỹ thuật chăn nuôi thú y bảo đảm cho vật nuôi phát triển bình thường; đồng thời, cách ly được với các vi khuẩn, virus và các tác nhân sinh vật gây bệnh khác để có sản phẩm con giống, nguồn thực phẩm sạch bệnh.
Tp. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao về hiệu quả phòng chống dịch tả lợn châu Phi thời gian qua. Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiểu được đặc tính của virut dịch tả lợn châu Phi là có thể tồn tại rất lâu trong môi trường và thịt lợn nhiễm bệnh, có thể lây lan qua nhiều đường như thức ăn, nguồn nước, các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển… Do đó, ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc, Tp. Hồ Chí Minh đã khuyến cáo các trang trại, hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi từ bên ngoài.
Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tp. Hồ Chí Minh đã lập danh sách các bước kiểm soát an toàn sinh học và khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh chuồng trại, kiểm soát người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi, xử lý thức ăn, đặc biệt là các hộ tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi lợn…Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại khi các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Phước xảy ra dịch tả lợn châu Phi thì đàn lợn của Tp. Hồ Chí Minh vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Ông Đỗ Cao Bằng, Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam chia sẻ, trong lúc dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, việc thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học chính là giải pháp hiệu quả nhất giúp người chăn nuôi bảo vệ đàn lợn của mình. Kinh nghiệm từ mô hình chăn nuôi, kinh doanh theo chuỗi từ thức ăn, chuồng trại, con giống cho đến chế biến giết mổ, bảo quản sản phẩm của GreenFeed cho thấy, việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học không chỉ giúp tiết kiệm chi phí chăn nuôi mà còn giúp nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, từ đó phòng chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Đỗ Cao Bằng, các trang trại chăn nuôi phải được xây dựng ở địa điểm phù hợp, đảm bảo cự ly an toàn với các khu vực xung quanh. Mặt khác, cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học theo 3 vùng gồm: vùng lõi, vùng đệm và vùng giám sát, đồng thời áp dụng chương trình phòng trị theo điều kiện dịch tễ giúp các trại lợn phòng tránh dịch bệnh hiệu quả. Nếu kiểm soát tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học như trên, các trang trại có thể tự tin duy trì môi trường an toàn dịch bệnh cho đàn lợn trong thời gian dài và cung ứng cho thị trường các sản phẩm thịt đảm bảo chất lượng.
Xuân Anh