Mỗi cá nhân khỏe mạnh sẽ kiến tạo nên một xã hội khỏe mạnh. Xã hội khỏe mạnh là động lực gia tăng năng suất lao động, giảm thiểu chi phí y tế. Do đó, chăm sóc sức khỏe cộng đồng phải được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Đây là thông điệp được đưa ra trong Tọa đàm “Chăm sóc sức khỏe cộng đồng - nền tảng cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”.
Tọa đàm do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch Đầu tư, Công Thương cùng các hiệp hội, viện, trường trong và ngoài nước tổ chức ngày 28/6. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, tầm nhìn 2045 được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì từ năm 2022.
Giáo sư Hà Thanh Toàn, Ban Chỉ đạo Diễn đàn nhấn mạnh: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của Đảng. Theo đó, Việt Nam chú trọng đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe cho người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; chăm lo phát triển về chất lượng, đảm bảo quy mô, cơ cấu dân số hợp lý…
Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 23/1/2024 phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu của Chiến lược là mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở định hướng toàn diện, lâu dài đó, Tọa đàm với sự kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế, nhằm góp phần đề xuất các định hướng, giải pháp; đồng thời thúc đẩy hợp tác để xây dựng và triển khai các chương trình, dự án thiết thực, nhằm phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
Tham luận tại Tọa đàm, Giáo sư Ang Hak Seng (Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Singapore) cho biết: Tuổi thọ trung bình của người dân Singapore hiện nay là 83,5. Đây là con số rất cao so với quá khứ. Để làm được điều đó, Singapore chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của dinh dưỡng cũng như y tế cộng đồng. Từ khởi điểm thích thức ăn nhanh, lười vận động…, thông qua sự chung tay của chính quyền và người dân, Singapore đã chuyển đổi được hệ thống các quán ăn kinh doanh đồ ăn nhanh chứa nhiều chất gây hại cho cơ thể thành những khu ẩm thực đạt chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Câu chuyện này cho thấy tầm quan trọng trong vai trò định hướng của chính quyền, với sự chung tay của cộng đồng sẽ làm nên các kỳ tích.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Jessica Bogard (Tổ chức CSIRO, Australia) dẫn giải câu chuyện về định hướng của Chính phủ trong nâng cao thể trạng và sức khỏe cho người dân Australia. Đó là giảm khẩu phần thức ăn từ thịt sang thủy – hải sản. Sau một thời gian, hiện người dân Australia đã gia tăng tỷ lệ tiêu thụ thủy – hải sản lên 45%. Điều này giúp cộng đồng giảm các nguy cơ béo phì, tim mạch… do ăn quá nhiều thịt động vật.
Kinh nghiệm của Australia là song hành với truyền thông để người dân thay đổi thói quen, chính quyền còn phải nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu thủy – hải sản sạch; ban hành các chính sách hỗ trợ nghề cá phát triển bền vững. Từ đó tạo nên hệ sinh thái từ sản xuất – cung ứng – tiêu dùng thủy – hải sản ổn định.
Đại diện Bộ Y tế, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế nhận định: Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều hạn chế về chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Điều này đến từ thói quen, văn hóa, điều kiện kinh tế… Do đó, thời gian tới, các đơn vị liên quan cần tập trung tuyên truyền để người dân ý thức được tầm quan trọng của tầm soát sức khỏe định kỳ, tuân thủ lịch tiêm phòng, thiết lập chế độ ăn uống khoa học. Song song đó, các cấp chính quyền, đơn vị y tế cần chung tay, ứng dụng công nghệ 4.0 để tạo mạng lưới kết nối chặt chẽ với từng cá nhân, hộ gia đình thông qua các mô hình Bác sĩ gia đình, Chuyên gia y tế của bạn…
Ánh Tuyết