Hàng chục chiếc thuyền di chuyển trên mặt nước, những chiếc vòi to cắm sâu xuống lòng sông hút cát lên cuồn cuộn. Những bãi tập kết cát khai thác trái phép mọc nhan nhản ven Quốc lộ 2 và 279, có điểm chỉ cách trụ sở làm việc của cơ quan công quyền vài trăm mét... nhưng nó vẫn ngang nhiên hoạt động. Chính quyền, ngành chức năng đã nhiều lần quyết liệt ra quân xử lý, còn “cát tặc” vẫn lộng hành, như trêu ngươi, thách thức dư luận.
Điểm khai thác cát trái phép tại thị trấn Vĩnh Tuy công khai hút cát giữa ban ngày |
Những ngày sau Tết Nguyên đán Bính Thân, “cát tặc” trên địa bàn huyện Bắc Quang (Hà Giang) lại ồ ạt ra quân càn quét lòng sông Lô, gây bức xúc trong nhân dân. Cách trụ sở cơ quan công quyền của thị trấn Vĩnh Tuy không xa, 3 bãi tập kết cát khai thác trái phép mọc ven Quốc lộ 2, được be bờ kiên cố, ngày đêm hút tài nguyên trong lòng sông bán thu lời bất chính. Trong vai chủ thầu xây dựng công trình trên địa bàn thị trấn đang cần nguồn cát, tôi đã xâm nhập và tìm hiểu được nhiều góc khuất. Hường - người phụ nữ có dáng người đậm, hiền lành, chủ một bãi tập kết cát đon đả đón tiếp khi biết tôi có nhu cầu mua số lượng lớn. “Em chỉ có một thuyền khai thác, nhưng bãi tập kết lúc nào cũng chứa đầy, đảm bảo cung cấp đủ số lượng theo yêu cầu, cát sạch, giá cả hợp lý với 60 nghìn đồng/m3, lấy nhiều được giảm giá” - Hường nhấn mạnh. Khi đề cập đến hóa đơn đầu vào để doanh nghiệp quyết toán, Hường thẳng thắn, các cơ sở khai thác cát toàn hoạt động chui, chưa ai được cấp phép, không đăng ký kinh doanh nên không có, nếu anh cần có thể mua ngoài thị trường. Hường cho biết thêm, vì hoạt động chui nên thỉnh thoảng cơ quan chức năng đến kiểm tra lại phải trốn, họ đi rồi mới hoạt động được.
Cách bãi tập kết của gia đình chị Hường không xa, điểm khai thác cát của người đàn ông có dáng gầy còm tên Phương cũng nằm trong tình trạng không phép. Miệng thừa nhận hoạt động chui, nhưng hành động lại công khai như chốn không người, cát được bơm liên tục từ 2 thuyền dưới sông lên bãi tập kết, có lúc bơm trực tiếp từ thuyền khai thác lên xe ô tô. Khi tôi đặt câu hỏi sao không xin giấy phép khai thác hoạt động cho đàng hoàng, đỡ phải đối phó với các đoàn kiểm tra, Phương nói cả tỉnh này mới chỉ có một doanh nghiệp được cấp phép khai thác. “Động đến việc này, thủ tục rất rườm rà, tốn nhiều tiền, tư nhân chúng em chắc không ai đáp ứng được, biết làm thế này không an toàn, hay phải trốn tránh đoàn kiểm tra, nhưng đổi lại không phải mất nhiều chi phí, khi nào đoàn đến ta tạm dừng, đi lại khai thác, họ có ngồi đây canh mình được đâu” - Phương tâm sự. Cơ sở của gia đình Phương có 2 thuyền lớn di chuyển trên sông hút cát, mỗi ngày hút lên hàng chục, hôm nhiều lên tới cả trăm m3, lượng tiêu thụ ban ngày ít hơn. Nhưng khi đêm đến, hàng đoàn xe trọng tải lớn từ Tuyên Quang lên điểm khai thác của Phương ăn trực tiếp cát từ thuyền vào xe và chở đi tiêu thụ, mỗi ngày bỏ túi nhiều triệu đồng.
Các điểm khai thác cát trên địa bàn thị trấn Vĩnh Tuy còn thua xa về quy mô so với những “cát tặc” ở xã Quang Minh. Một đoạn đường ngắn gần đầu cầu Sảo, lòng sông phải oằn mình bởi gần chục thuyền hút cát với những chiếc vòi bạch tuộc cắm sâu xuống, hút hết tinh túy. Trong đó, bãi tập kết của Công ty TNHH Sơn Hà do ông Kiều Xuân Được làm chủ có quy mô lớn nhất. Doanh nghiệp này đã san ủi mặt bằng rộng lớn ngay trên bờ sông tạo thành bãi tập kết có sức chứa hàng trăm m3 cát. Hàng ngày, 4 thuyền khai thác hoạt động hết công suất, hút lên hàng trăm m3 cát, với giá bán 80 nghìn đồng/m3, một lượng tài nguyên lớn của Nhà nước mất đi, một lượng tiền khổng lồ chảy vào túi cá nhân... Mặc dù thừa nhận hoạt động chui, nhưng các chủ cơ sở khai thác cát đều khẳng định, hàng tháng vẫn đóng thuế, phí và nhiều khoản khác cho chính quyền cơ sở, ngành chức năng.
Bãi tập kết cát khai thác trái phép có sức chứa hàng trăm m3 ngay đầu cầu Sảo |
Xử lý cho... vui (?!)
Nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt cát sỏi trên các tuyến sông, suối chạy qua địa bàn, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước. Huyện Bắc Quang cũng nhiều lần tổ chức triển khai, đưa lực lượng rầm rộ xuống kiểm tra, có lập biên bản, có đình chỉ nhưng sau khi đoàn rút đi, đâu lại vào đấy. Cụ thể như, UBND thị trấn Vĩnh Tuy đã nhiều lần tổ chức họp, mời các chủ cơ sở khai thác cát ký cam kết không vi phạm, tổ chức lực lượng kiểm tra bất ngờ, đình chỉ ngay lập tức. Thế nhưng, hiệu lực của những bản cam kết, những văn bản đình chỉ chỉ nằm trên giấy, chủ cơ sở ký, mực chưa khô, vừa ra khỏi trụ sở cơ quan công quyền đã chỉ đạo các thuyền tiếp tục hút cát. Ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Tuy cho biết, trên địa bàn thị trấn còn 6 hộ hoạt động khai thác cát, cuối năm vừa qua thị trấn có mời họ lên làm việc, thông báo nghiêm cấm khai thác cát, sỏi trên lòng sông, tất cả đều ký biên bản cam kết chấp hành nghiêm.
Chữ ký của các hộ còn thơm mùi mực, nhưng lời cam kết đã bay theo gió. Đầu tháng 1 vừa qua, khi tổ công tác của thị trấn kiểm tra bất ngờ đã phát hiện cơ sở của ông Hà Văn Hoàn đang hút cát từ thuyền dưới lòng sông lên bãi tập kết với khối lượng khoảng 10m3, biên bản được lập, ông Hoàn lại ký cam kết không vi phạm. Đến cơ sở của bà Bế Thị Du cũng phát hiện đang hút cát từ bãi chứa lên xe đi tiêu thụ, bà Du cũng nhẹ nhàng ký vào biên bản để rồi tiếp tục tái phạm. Gần đây nhất, khi phóng viên xâm nhập thực tế, các cơ sở này vẫn ngang nhiên khai thác, không một ai nhớ trước đó mình đã ký cam kết với chính quyền.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, có nơi chính quyền làm quyết liệt nhưng vẫn chưa dẹp được, nơi lại chưa làm hết trách nhiệm nên “cát tặc” càng lộng hành hơn. Trên địa bàn xã Quang Minh, ngoài những đợt huyện tổ chức lực lượng ra quân kiểm tra theo chỉ đạo của tỉnh, chính quyền địa phương gần như buông lỏng. Ông Nguyễn Viết Chước, Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận, từ ngày được giao phụ trách lĩnh vực (cách đây hơn 2 năm) chưa lần nào trực tiếp đi kiểm tra. Chính quyền quản lý như vậy, chẳng trách những cá nhân khai thác cát trái phép từ nhiều tháng qua, đầu tư cả thuyền công suất lớn, máy xúc, máy băng chuyền hoạt động ngang nhiên cạnh Quốc lộ 279 mà cứ như chốn không người.
Cuối năm vừa qua, huyện Bắc Quang cũng tổ chức lực lượng kiểm tra, kết quả cho thấy 13 cơ sở khai thác cát tại xã Kim Ngọc, Quang Minh, Hùng An, Vĩnh Tuy đều không giấy phép. Qua kiểm tra, họ đều thừa nhận hành vi, đều cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, tạm dừng khai thác để làm các thủ tục xin cấp phép. Thế nhưng, sự việc đâu vẫn vào đấy, đoàn kiểm tra chỉ ở được một lúc, khi rút đi họ lại tái phạm. Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Nguyễn Hồng Tuyên thừa nhận thực trạng nhức nhối và nói “cát tặc” đang làm đau đầu chính quyền và cơ quan chức năng. Trong khi chưa tìm ra biện pháp quản lý hữu hiệu, “cát tặc” vẫn lộng hành, ngang nhiên rút ruột tài nguyên của Nhà nước, làm giàu bất chính.
Theo báo Hà Giang