Nguyên Bình là huyện chịu thiệt hại nặng nhất tỉnh Cao Bằng sau cơn bão số 3. Hiện nay, toàn huyện đang nỗ lực khôi phục hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, khẩn trương huy động nguồn lực xây dựng nhà mới cho các hộ bị sập nhà, chết người; thẩm định các nhà bị hư hại và nhà có nguy cơ cao để hỗ trợ di dời, sửa chữa.
Theo thống kê của UBND huyện Nguyên Bình, trong cơn bão số 3 vừa qua, toàn huyện có 54 người chết, 2 người mất tích, 18 người bị thương. Cùng với đó là 30 nhà bị sập đổ, hư hỏng hoàn toàn; 293 nhà có nguy cơ sạt lở cao, cần di dời khẩn cấp; nhiều ngôi nhà bị hư hại một phần. Cơn bão đã khiến cho hàng trăm người dân huyện Nguyên Bình không còn nhà để ở.
Huyện đã dựng nhiều nhà bạt để cho người dân ở tạm trong thời gian chờ xây dựng nhà mới trong khi khẩn trương thực hiện các giải pháp xây dựng nhà mới. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà ở cho dân còn nhiều khó khăn.
Tại xã Vũ Nông, nơi có 20 hộ dân nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao, cần phải di dời khẩn cấp, công việc tìm kiếm mặt bằng xây dựng nhà cho người dân vẫn còn rất nhiều vấn đề phức tạp. Ông Phùng Tòn Khe, Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện còn 7 hộ ở xóm Lũng Luông, do không có đất để dựng nhà, chính quyền cần tìm mặt bằng đủ rộng, an toàn, thích hợp để xây dựng khu tái định cư nhưng chưa tìm được. Địa hình của xóm Lũng Luông nhiều đồi đất dốc, địa chất kém ổn định nên rất khó để tìm được địa điểm an toàn.
Qua khảo sát, xã đã tìm được một địa điểm khá an toàn nhưng lại là đất canh tác của một hộ dân - đang đòi mức giá đền bù quá cao nên hiện chưa tìm được địa điểm thích hợp. Ngoài ra, nhiều người dân cũng bày tỏ lo ngại, với mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ (thuộc diện hỗ trợ di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở), người dân rất khó để làm lại nhà hoặc chỉ làm được nhà nhỏ hẹp, thiếu công năng sử dụng, như vậy không đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt, cất trữ lương thực.
Trái với xã Vũ Nông, tại xã Yên Lạc, nơi xảy ra vụ sạt lở cả một mảng đồi, vùi lấp 6 căn nhà, việc tìm mặt bằng mới khá thuận lợi, người dân đã chủ động tìm mặt bằng mới hoặc đổi đất để có chỗ làm nhà. Ông Hoàng Chàn Mình, Chủ tịch xã cho biết, 6 hộ bị sập nhà đã tìm được đất để xây dựng, chuẩn bị khởi công. Còn lại 30 hộ nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời khẩn cấp cũng đã tìm được đất, đang chờ huyện cấp kinh phí để thực hiện. Đối với các hô bị sập nhà, chết người, chính quyền sẽ cấp kinh phí và huy động nhà hảo tâm xây nhà mới cho gia đình. Hiện nay huyện và các nhà hảo tâm đã cấp lương thực đủ sử dụng trong 6 tháng, xem xét hỗ trợ máy móc nông nghiệp, công cụ hỗ trợ để sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.
Tại điểm tái định cư cho xóm Lũng Lì, các công nhân đang khẩn trương xây dựng nhà cho các hộ tái định cư. Công việc mới bắt đầu được 2 ngày nhưng tiến độ thực hiện rất nhanh, một số nhà đã chuẩn bị hoàn thành phần móng đá kiên cố.
Ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho biết, huyện đang thành lập các tổ công tác đến tận nhà người dân bị hư hại, ảnh hưởng bởi bão lũ nhằm kiểm đếm, đánh giá mức độ thiệt hại và tính toán áp dụng các mức hỗ trợ theo thông báo của Tỉnh ủy Cao Bằng.
Đối với 14 hộ bị sập nhà hoàn toàn, huyện sẽ xây dựng nhà mới, mỗi nhà trị giá hơn 300 triệu đồng, đồng thời vận động các đơn vị hỗ trợ tư vấn miễn phí trong công tác xây dựng, cắt bỏ chi phí trung gian để đảm bảo chi phí mua vật liệu xây dựng và thuê nhân công. Các hộ cũng sẽ được hỗ trợ làm đường, kéo điện và nước đến tận nơi.
Các hộ nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao, cần phải di dời khẩn cấp sẽ được hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà. Huyện sẽ phân công cán bộ theo dõi, kiểm tra, hỗ trợ để hoàn thành nhanh nhất tiến độ công trình, phấn đấu hoàn thành xây dựng trước ngày 30/10.
Đối với các hộ thuộc diện di dời, huyện đặt mục tiêu hoàn thành trong quý I/2025. Huyện sẽ tập trung tối đa nhân lực, vật lực để giúp người dân nhanh chóng có nhà mới, ổn định cuộc sống, tái thiết lại sản xuất.
Quốc Đạt