Cao Bằng phát triển du lịch cộng đồng

Cao Bằng phát triển du lịch cộng đồng
Cao Bằng phát triển du lịch cộng đồng ảnh 1
Thác Bản Giốc được đánh giá là thác nước đẹp nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Đây là điểm du lịch tiêu biểu mang tính biểu tượng của tỉnh Cao Bằng có nhiều tiềm năng phát triển, thu hút khách du lịch trong lai. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN

Người dân làm du lịch

Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương như phong cảnh, văn hóa, ẩm thực…

Những năm gần đây, một số hộ dân tỉnh Cao Bằng đã làm dịch vụ lưu trú tại nhà cho khách du khách tham quan. Từ những công việc thường ngày như thu hoạch hoa màu, xay thóc, giã gạo, đánh cá, thêu thùa, may vá của người dân đã xây dựng thành sản phẩm phục vụ khách du lịch. Du khách khi đến các điểm lưu trú tại nhà dân được đón tiếp nồng hậu, được hướng dẫn và trực tiếp tham gia trải nghiệm, hòa mình vào đời sống người dân ở từng vùng miền.

Chị Chi Thị Duyên, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc cho biết, người dân xóm Khuổi Khon chủ yếu là người dân tộc Lô Lô. Người dân tộc Lô Lô ở đây còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc như dệt và thêu trang phục, các sản phẩm thổ cẩm; ẩm thực phong phú. Đặc biệt khi đến bản làng hơn 50 hộ người Lô Lô sinh sống, du khách sẽ được hòa mình thiên nhiên, chứng kiến cuộc sống bình dị của người dân trên những nếp nhà sàn đặc trưng. Từ những nét đặc trưng này, chị cùng một số hộ trong xóm đã hình thành dịch vụ khách du lịch lưu trú tại nhà dân. Hiện nay, nơi lưu trú của chị Duyên có nhiều khách du lịch là người nước ngoài đến nghỉ và trải nghiệm, tham gia vào các hoạt động trong đời sống, sinh hoạt của của người dân tộc Lô Lô. Hình thức du lịch này đã giúp gia đình chị Duyên và nhiều hộ đồng bào nơi đây có thêm thu nhập, chất lượng cuộc sống được nâng lên.

Trong hành trình khám phá Công viên địa chất toàn cầu USESCO Non nước Cao Bằng, du khách tham gia trải nghiệm trong tuyến “Hành trình về nguồn” (gồm huyện Hòa An, Hà Quảng) có thể đến gia đình bà Nông Thị Thược, Nghệ nhân Ưu tú dệt thổ cẩm tại xóm Luống Nọi, xã Phù Ngọc (Hà Quảng). Tại đây, du khách sẽ được bà hướng dẫn, giới thiệu về dệt thổ cẩm. Bà Thược cho biết, bên cạnh việc hướng dẫn du khách trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm thì bà bán các sản phẩm khi du khách có nhu cầu. Hình thức du lịch này, vừa giúp bà có thêm thu nhập, vừa được góp phần để duy trì nghề dệt truyền thống.

Các mặt hàng thổ cẩm do nghệ nhân Nông Thị Thược sản xuất được khách nước ngoài ưa thích.Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN
Các mặt hàng thổ cẩm do nghệ nhân Nông Thị Thược sản xuất được khách nước ngoài ưa thích.Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Huy động nguồn lực phát triển du lịch cộng đồng

Bên cạnh những điểm sáng, hình thức du lịch cộng đồng tại Cao Bằng còn đơn điệu và khá nghèo nàn. Theo bà Nông Thị Tuyến, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng), phát triển du lịch cộng đồng ở Cao Bằng vẫn còn mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản, chưa đi vào thực chất. Hình thức hoạt động mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, ít đạt được mục đích nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường và cảm nhận nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng bản địa. Một vài địa phương quá chú trọng đến yếu tố phát triển kinh tế nên tổ chức còn manh mún, chuyển quá nhanh sang dịch vụ du lịch, chưa chú trọng đến vấn đề duy trì bền vững hoạt động này.

Bản Pác Rằng (huyện Quảng Uyên) là điểm du lịch cộng đồng có nghề rèn truyền thống nổi tiếng; người dân tộc Nùng An nơi đây còn lưu giữ được bản sắc dân tộc độc đáo…Tuy nhiên, đã hơn 5 năm từ khi cho vào hoạt động và khai thác, hiệu quả kinh tế mang lại từ điểm du lịch Pác Rằng chưa cao. Các đoàn khách đến điểm du lịch cộng đồng này, chủ yếu được giới thiệu từ các công ty du lịch nên không thường xuyên, khách lưu trú ít. Du khách đến bản chỉ để thưởng thức ẩm thực và giao lưu văn nghệ, tham quan nghề rèn.

Những lò rèn ở Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên) luôn đỏ lửa. Ảnh: caobang.gov.vn
Những lò rèn ở Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên) luôn đỏ lửa.
Ảnh: caobang.gov.vn

Ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết, những năm qua, tỉnh đã quan tâm, đầu tư xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Đến nay, một số điểm du lịch cộng đồng đã, đang được đầu tư và hoạt động như: Điểm du lịch cộng đồng Pác Rằng (Quảng Uyên) - nơi lưu giữ văn hóa truyền thống đặc sắc của người Nùng An; điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon (Bảo Lạc) - miền văn hóa Lô Lô đặc sắc và nhiều huyền bí; làng Tày Khuổi Ky (Trùng Khánh) với vẻ đẹp nên thơ, cổ kính… Ngoài ra, tại một số địa phương của tỉnh đang xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư để triển khai một số điểm du lịch cộng đồng mới như bản Giuồng, xã Tiên Thành (huyện Phục Hòa); bản Pác Búng, xã Độc Lập; bản Phja Thắp, xã Quốc Dân (huyện Quảng Uyên)…

Thời gian tới, tỉnh sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, huy động  nguồn lực để khai thác tài nguyên du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng. Cao Bằng từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó, chú trọng đến hạ tầng giao thông; đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng; xây dựng sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch đặc trưng. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá; thu hút đầu tư xây dựng được các điểm, khu du lịch trọng điểm của tỉnh với các sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn; xây dựng các tour, tuyến du lịch có sự gắn kết với các chương trình, hoạt động, sự kiện du lịch trong khu vực…

Bên cạnh đó, để du lịch cộng đồng là hướng đi bền vững, hiệu quả, các ngành chức năng tỉnh Cao Bằng cần thực sự vào cuộc để tạo điều kiện cho du lịch cộng đồng phát triển, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của Non nước Cao Bằng.

Chu Hiệu

Có thể bạn quan tâm