Đàn bò nghi bị bệnh lỡ mồm, long móng ở xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN |
Tại huyện Trùng Khánh, dịch lở mồm long móng đã xuất hiện từ đầu tháng 10. Sau khi phát hiện dịch bệnh, Chính quyền địa phương đã tổ chức khoanh vùng, bao vây, dập dịch, hướng dẫn bà con phun thuốc khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng trại, tiêm phòng bổ sung vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc chưa mắc bệnh; hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách phòng, chống dịch lở mồm long móng, khuyến cáo người dân không thả rông gia súc bị mắc dịch, nhốt, cách ly, chữa trị, chăm sóc tại chuồng... Đồng thời, huyện cũng thường xuyên cử cán bộ thú y phối hợp với thú y viên cơ sở hướng dẫn người dân cách phát hiện dịch lở mồm long móng; cách chăm sóc, chữa trị cho trâu, bò bằng những phương pháp đơn giản sẵn có của địa phương. Nhờ đó tình hình dịch bệnh đã cơ bản được khống chế. Tuy vậy, công tác tiêm phòng cho đàn gia súc trên địa bàn huyện Trùng Khánh vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, nhiều hộ chăn nuôi vẫn chủ quan không tiêm phòng và thả rông đàn gia súc. Một số hộ mua gia súc về nuôi vỗ béo nhưng không tiêm phòng cho đàn gia súc đầy đủ. Thời hạn miễn dịch do tiêm vắc xin đợt I đã hết, thời tiết chuyển mùa… là điều kiện dịch bệnh lở mồm long móng bùng phát trở lại. Ông La Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết, sau khi phát hiện dịch bệnh lở mồm long móng trên địa bàn, huyện chỉ đạo các xã ban hành văn bản thông báo dịch bệnh, hướng dẫn nhân dân cách ly số gia súc bị ốm. Cách điều trị ban đầu bằng cách lấy nước chua, chát để rửa vết loét cho gia súc; tiêm kháng sinh chống viêm, thuốc trợ sức cho trâu, bò kết hợp với chăm sóc, nuôi dưỡng. Vận động người dân không vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc ra, vào vùng có dịch. Huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cử cán bộ trực tiếp đến cơ sở, phối hợp với cán bộ chuyên môn các xã tăng cường giám sát, phát hiện sớm những gia súc bị bệnh để cách ly, điều trị kịp thời. Tuyên truyền, vận động người dân phun khử trùng tiêu độc 2 lần/ngày, hướng dẫn người dân cách vệ sinh chuồng trại, gìn giữ vệ sinh môi trường. Theo ông Đinh Xuân Lập, Trưởng Phòng Thú y, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Bằng, Hiện nay, tình hình dịch lở mồm long móng vẫn còn diễn biến phức tạp, tỷ lệ tiêm phòng tại một số địa phương đạt thấp. Tại huyện Trùng Khánh, tỷ lệ tiêm phòng mới đạt 58%, Hạ Lang đạt 69% tổng đàn gia súc. Đại đa số chuồng nuôi gia súc của người dân chưa được vệ sinh sạch sẽ, nền chuồng ẩm ướt, lầy lội. Đó là một trong những nguyên nhân khiến mầm bệnh lây lan mạnh trong thời gian qua. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng. Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh đã phối hợp các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến người chăn nuôi chủ động phòng, chống đói rét, dịch bệnh, vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại cho đàn vật nuôi. Chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao, tiêm phòng bổ sung đối với các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp; bảo đảm tiêm phòng đạt 100% số gia súc trong diện tiêm tại vùng dịch, 80% số gia súc thuộc diện được tiêm tại khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, tiếp tục phun khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường bằng vôi bột, hóa chất tại các ổ dịch, khu vực chuồng trại, bãi chăn thả và chợ kinh doanh gia súc, gia cầm để tiêu diệt mầm bệnh. Tỉnh cũng thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc cơ sở thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo các lực lượng chức năng và cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát động vật, các phương tiện vận chuyển động vật ra vào địa bàn tỉnh; củng cố, kiện toàn mạng lưới thú y viên xã, phường, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Quốc Đạt