Sau một năm thực Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Mặc dù là xã vùng cao nhưng xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình đã phát huy lợi thế của địa phương; tận dụng tối đa các nguồn lực hỗ trợ người dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn. Theo đó, xã Quang Thành thực hiện mô hình sử dụng giàn thép cố định vin cành tạo tán cho cây lê tại xóm Nà Lèng. Với mô hình này, người dân xóm Nà Lèng đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, tạo được chất lượng quả lê ngon, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Bà Chu Thị Mai, xóm Nà Lèng, xã Quang Thành cho biết, gia đình bà trồng hơn 100 cây lê giống VH6 và bắt đầu cho quả. Do chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên quả lê phát triển tốt, mọng nước, vị ngọt, được nhiều khách hàng vào tận vườn mua. Vụ đầu tiên, gia đình bà thu hơn 4 tạ quả lê, thu nhập được khoảng 20 triệu đồng.
Thời gian tới, xã Quang Thành sẽ xây dựng sản phẩm quả lê thành sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là một trong những hướng đi để đảm bảo quả lê Quang Thành định vị được thị trường tiêu thụ; hướng tới mở rộng diện tích trồng và phát triển theo hướng bền vững.
Thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2025, huyện Hà Quảng cũng đã triển khai nhiều giải pháp phát triển nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, nâng cao giá trị và phát triển bền vững theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng Lưu Trọng Hính cho biết, huyện Hà Quảng đã tập trung phát triển nhiều vùng nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao như: vùng trồng 945 ha thuốc lá nguyên liệu, vùng trồng 623 ha lạc hàng hóa, vùng trồng 934 ha ngô hàng hóa, vùng trồng 95 ha gừng nguyên liệu…Hà Quảng phấn đấu đến năm 2025, tiếp tục duy trì và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với số lượng lớn, năng suất, chất lượng cao.
Sau một năm thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh, tỉnh Cao Bằng đã rà soát, đánh giá danh mục 18 dự án; trong đó, có 5 dự án trồng trọt, 7 dự án chăn nuôi, 6 dự án lâm nghiệp và thành lập mới 22 hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh đã hỗ trợ trên 58 tỷ đồng xây dựng 63 chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa với 6 mô hình liên kết cấp tỉnh, 57 mô hình liên kết cấp huyện; thực hiện rà soát các diện tích đất quy hoạch phát triển nông nghiệp và dự kiến các vùng sản xuất có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Về ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tỉnh phát triển 168 ha cây trồng gồm: gừng, cam, quýt, chanh leo, lê, dẻ và rau màu các loại; hỗ trợ các nông hộ trồng 60 ha trúc, 238 ha quế, 15 ha cây dược liệu. Cùng đó, thực hiện ứng dụng công nghệ nhân giống cây lê xanh ưu tú để mở rộng diện tích trồng; ứng dụng công nghệ ghép mắt để nhân giống cây lê vàng Đông Khê, cây dẻ Trùng Khánh cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo quy mô hàng hóa.
Bên cạnh đó, Cao Bằng cũng thử nghiệm ứng dụng giải pháp tích hợp các chế phẩm nano để phòng trị bệnh và kích thích tăng trưởng trên cây gừng tại huyện Hà Quảng; áp dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào phát triển cây hà thủ ô đỏ tại huyện Bảo Lạc.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến như: sản phẩm gạo nếp Hương Bảo Lạc, vịt cỏ Trùng Khánh, lê Đông Khê, thạch đen Thạch An; công nhận 24 sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chí sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Truân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết, mục tiêu của đề án nông nghiệp thông minh là hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao. Để hoàn thành mục tiêu cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và người nông dân; trong đó, người nông dân đóng vai trò là chủ thể chính.
Mặt khác, các cấp, ngành tập trung tuyên truyền, giúp người dân chủ động thay đổi phương thức sản xuất phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, người dân chủ động nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, không ngại đổi mới. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý nông nghiệp không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng về sản xuất thông nghiệp thông minh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Truân, tới đây Cao Bằng đẩy mạnh chính sách đầu tư, kêu gọi đầu tư các ngành hàng trọng tâm, ngành hàng lựa chọn ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, thực hiện đổi mới cơ cấu và cơ chế đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ tái cơ cấu lại ngành hàng nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới…
Chu Hiệu