Cao Bằng chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu

Cao Bằng chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu
Theo đó, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Chương trình số 10-CTr/TU phát triển KTCK (trọng tâm là Cửa khẩu Trà Lĩnh) giai đoạn 2011 - 2015; đồng thời ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho Khu KTCK, đặc biệt từ nguồn thu phí sử dụng bến bãi đối với phương tiện vận tải chở hàng hóa ra vào khu vực cửa khẩu, cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Cao Bằng đã bố trí cho Chương trình 530,3 tỷ đồng, chiếm hơn 11,5% tổng nguồn vốn ngân sách tập trung do tỉnh quản lý bố trí cho 6 chương trình trọng tâm của tỉnh là trên 4.618 tỷ đồng. 

Công trình Trạm Kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Trà Lĩnh đang được hoàn thiện
Công trình Trạm Kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Trà Lĩnh đang được hoàn thiện

Thực hiện mục tiêu của Chương trình, toàn ttỉnh đã triển khai 76 dự án xây dựng hạ tầng các khu KTCK, trong đó ưu tiên Cửa khẩu Trà Lĩnh. Cụ thể, tổng nguồn vốn đầu tư tại Cửa khẩu Trà Lĩnh hơn 176 tỷ đồng,Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng 131,2 tỷ đồng; Cửa khẩu Sóc Giang 11,5 tỷ đồng, các cửa khẩu còn lại 211,5 tỷ đồng, chiếm 39,9%. Đến nay đã hoàn thành các dự án Đường 205 thị trấn Hùng Quốc - Cửa khẩu Trà Lĩnh; Nhà để xe và chốt Biên phòng Trạm kiểm soát liên hợp Tà Lùng; cải tạo, nâng cấp Trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Tà Lùng; Cải tạo Trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Sóc Giang, Cửa khẩu Trà Lĩnh; cấp nước Cửa khẩu Đức Long; Đường trục chính Cửa khẩu Đức Long... Đang tiếp tục thi công các dự án Đường thị trấn Cửa khẩu Tà Lùng; Trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Trà Lĩnh; Đường vào lối mở Nà Đoỏng; Cải tạo nâng cấp đường thị trấn Đông Khê - Cửa khẩu Đức Long; Trạm Kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Lý Vạn; Trạm Kiểm soát liên hợp tại lối mở Nà Lạn, xã Đức Long (Thạch An)...

Trong giai đoạn 2011 - 2015, KTCK của tỉnh Cao Bằng đã có những bước phát triển vượt bậc, kim ngạch xuất nhập khẩu, thu ngân sách, thu hút đầu tư hằng năm đều tăng, hoạt động thương mại biên giới ngày càng đa dạng về chủng loại và số lượng hàng hóa... Giai đoạn 2011 - 2015, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh đạt khoảng 1,9 tỷ USD; tổng thu thuế xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu ước 870,8 tỷ đồng; tổng số thu phí sử dụng bến bãi đối với phương tiện vận tải chở hàng hóa ra vào khu vực cửa khẩu ước  615,2 tỷ đồng. Đến nay trong các khu KTCK đã thu hút 48 dự án đầu tư. Trong đó có 8 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 30,8 triệu USD và 40 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký là 3.128 tỷ đồng. Hiện nay có 20 dự án đã hoàn thành đi vào khai thác hoạt động, với tổng vốn đầu tư 1.063 tỷ đồng, có 13 dự án với tổng  số vốn 477 tỷ đồng đang triển khai thực hiện. Một số dự án đã đem lại hiệu quả nhất định, tạo việc làm cho hơn 200 lao động.  

Tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc nâng cấp Cửa khẩu Tà Lùng từ cửa khẩu chính lên cửa khẩu Quốc tế; Cửa khẩu Sóc Giang, Lý Vạn từ cửa khẩu phụ lên cửa khẩu chính (song phương). Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến giao Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu Khu hợp tác kinh tế biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc). Hiện nay, UBND tỉnh đã xây dựng xong đề cương báo cáo xác định tính khả thi của việc thành lập Khu hợp tác kinh tế biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) và được Bộ Công thương đồng ý đưa vào đề án chung xây dựng các khu hợp tác kinh tế biên giới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc đầu tư xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) cũng được đưa vào Biên bản ghi nhớ tại Hội nghị lần thứ 6 Ủy ban Công tác liên hợp giữa các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc).

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình phát triển KTCK của Cao Bằng còn một số hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp. Mặt khác, từ năm 2012 trở lại đây nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cũng bị cắt giảm nên chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư hạ tầng cơ sở cho Khu KTCK của tỉnh. Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở một số hạng mục còn chậm do thiếu vốn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng..., dẫn đến chậm tiến độ so với kế hoạch. Tuy còn gặp một số khó khắn nhưng nhìn trên diện tổng thể có thể khẳng định, Cao Bằng đẩy mạnh phát triển KTCK, thương mại biên giới đã góp phần quan trọng trong việc phát triển KT - XH, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh./.

 
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm