Mô hình “Cô đỡ thôn bản” đã góp phần hoàn thiện mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh. Ảnh minh họa: Dương Ngọc - TTXVN |
Sau một thời gian triển khai, có thể khẳng định dự án đã phát huy tác dụng. Trước năm 2009, phần lớn phụ nữ mang thai không đi khám thai, không được phát hiện các biểu hiện bất thường về thai nghén, tỷ lệ phụ nữ tự sinh con tại nhà chiếm tỷ lệ cao, vì thế nhiều phụ nữ mắc tai biến sản khoa dẫn đến tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Từ năm 2010 đến nay, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của các cô đỡ thôn bản, phụ nữ đã đến trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai và đến cơ sở y tế để sinh đẻ, tiêm phòng uốn ván cho mẹ và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi…
Tại xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, đa phần các sản phụ đã chọn trạm y tế xã hoặc đến bệnh viện để sinh con. Tuy nhiên, các trạm y tế đều nằm ở trung tâm xã nên còn cách xa các bản làng của người dân. Điều kiện giao thông khó khăn, những ngày mưa gió, người dân chỉ có thể đi bộ ra trung tâm. Vì thế, nếu gia đình có sản phụ trở dạ, họ chỉ có thể sinh con ở nhà, trông cậy sự giúp đỡ của các cô đỡ thôn bản.
Năm 2009, chị Lý Thị Ban, xóm Lũng Tám, xã Tổng Cọt tham gia khóa đào tạo 6 tháng về cô đỡ thôn bản. Khi kết thúc khóa đào tạo, chị Ban được cấp một số dụng cụ y tế phục vụ cho công việc đỡ đẻ. Với kiến thức đã học và những dụng cụ được trang bị, khi trở về xóm Lũng Tám, chị đã thường xuyên đến thăm hỏi các sản phụ, hướng dẫn họ chăm sóc thai nhi đúng cách.
Chị Ban cho biết: Trong quá trình làm cô đỡ thôn bản, chị cũng thường xuyên gặp phải các tình huống bất ngờ. Năm 2015, có một sản phụ cùng xóm đột nhiên trở dạ, trong khi ngoài trời mưa to gió lớn nên không thể đưa đến trạm xá. Trước tình thế đó, chị đã phải đội mưa, chạy đến đỡ đẻ. Ca đỡ đẻ đó thành công, thật sự mang đã mang đến niềm hạnh phúc cho bản thân chị và gia đình sản phụ.
Xóm Cộp My, xã Quang Trung, huyện Hòa An có 45 hộ, thì 100% là người Mông. Điều kiện kinh tế nơi đây còn nhiều khó khăn, người dân chưa quen khái niệm chăm sóc y tế. Phụ nữ mang thai vẫn đi làm nương, rẫy, khi trở dạ thì sinh con ở nhà. Các sản phụ nơi đây, khi sinh con thường chỉ có người thân như mẹ đẻ, mẹ chồng hoặc chồng ở bên cạnh trực tiếp đỡ đẻ và cắt rốn cho em bé. Nếu gặp ca khó, người nhà sẽ mời thầy cúng, thầy mo làm lễ. Vì thế, tai biến sản khoa thường xuyên diễn ra. Nhiều phụ nữ đã mất mạng vì thiếu sự chăm sóc y tế kịp thời. Từ khi được đào tạo đỡ đẻ năm 2009, đến nay, chị La Thị Dân, xóm Cộp My, xã Quang Trung đã đỡ đẻ cho hơn 10 ca tại nhà.
Mặc dù khó khăn vất vả, nhưng khi được hỏi về chế độ, cô đỡ Lý Thị Ban và La Thị Dân đều cho biết: Năm 2009, khi kết thúc khóa đòa tạo, các chị trở thành các cô đỡ thôn bản và được hỗ trợ 5 tháng đầu với số tiền hơn 500 ngàn/tháng. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, các chị chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ vật chất nào.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lành, Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Cao Bằng cho biết: Mặc dù đây là dự án phù hợp với điều kiện các thôn bản khó khăn, nhưng mức hỗ trợ cho cô đỡ thôn bản là quá thấp. Trước đây mỗi cô đỡ thôn bản được trợ cấp 200 nghìn đồng/tháng (trường hợp cô đỡ thôn bản kiêm y tế thôn bản thì chỉ được phụ cấp y tế thôn bản 575 nghìn đồng/tháng). Còn từ 2016 đến nay thì cô đỡ thôn bản không nhận được nguồn trợ cấp nào. Việc này đã gây khó khăn cho ngành Y tế trong việc động viên các cô đỡ nhiệt tình tham gia chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thai phụ. Mong rằng các cấp có thẩm quyền quan tâm, có biện pháp bố trí kinh phí hỗ trợ hợp lý để đội ngũ cô đỡ hoàn thành tốt vai trò là cánh tay “vươn dài” của ngành Y tế địa phương.
Chu Hiệu