Các hộ dân tộc thiểu số thế chấp tài sản cho ông Bình vay hoặc sang nhượng quyền sử dụng đất cho ông Bình báo cáo chính quyền xã Ia Bă, huyện Ia Grai (Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN |
Cuối tháng 11/2018, hàng chục hộ dân ở hai xã Ia Bă và Ia Yok (huyện Ia Grai) hoang mang vì cả gia đình người vay nợ bỏ trốn khỏi địa phương. Đối tượng vay nợ của bà con dân tộc thiểu số vùng này là ông Nguyễn Tất Bình (sinh năm 1965, có hộ khẩu thường trú tại phường Trà Bá, thành phố Pleiku, Gia Lai). Theo đơn tố cáo của những hộ dân này tại Công an huyện Ia Grai và Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai, tài sản mà ông Bình có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt của bà con dân tộc thiểu số hai xã trên là hơn 1 tỷ đồng và gần 10 ha đất nông nghiệp.
Anh Ksor Do (sinh năm 1980, làng Dun De, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) cho biết: “Năm 2017, ông Bình thấy nhà tôi bị dột nên đề nghị vay tiền ngân hàng hộ để sửa nhà. Ông Bình nói với tôi, sổ đỏ đứng tên người Kinh sẽ được vay vốn thuận lợi hơn nên tôi đã giao sổ đỏ cho ông Bình. Sau đó, ông Bình đưa xe ô tô đến đón 5 anh chị em nhà tôi đến phòng công chứng tại thành phố Pleiku thực hiện chuyển nhượng 5 sào đất ở của bố mẹ tôi để lại, sang tên con gái ông Bình là Nguyễn Thị Ngọc Thảo (sinh năm 1997, hiện đang là sinh viên tại thành phố Hồ Chí Minh). Có sổ đỏ, cha con ông Bình đến thế chấp tài sản và vay vốn của một ngân hàng Cổ phần thương mại tại thành phố Pleiku. Về làng, ông Bình đưa 50 triệu đồng cho tôi và hứa sẽ chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất khi tôi trả lại hết tiền cho ông Bình”.
Đầu năm 2018, ông Bình tiếp tục dụ dỗ anh Do thế chấp 9 sào đất rẫy cà phê của gia đình, vay ngân hàng thêm 150 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được ông Bình vay lại của anh Do. Anh Do cho biết, ông Bình tiến hành làm hết các thủ tục vay ngân hàng, anh Do chỉ lên ngân hàng đặt bút ký và không đọc lại nội dung hợp đồng.
Tương tự, ông Rơ Châm Pip (sinh năm 1962, làng Dun De, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) là một người có uy tín trong làng. Gần mười năm trước, thấy ông Nguyễn Tất Bình lang thang đi làm thuê tại làng nên đã thương cảm và nhận về nuôi. Sống với ông Pip nên ông Bình dễ dàng có được sự tin tưởng của bà con trong làng cùng nhiều mối quan hệ của ông Pip. Sau này, ông Bình lấy vợ nên tách ra ở riêng.
Ông Rơ Châm Píp lo lắng nói: “Tôi đã thế chấp hơn 2 ha đất ở và đất sản xuất của gia đình để vay 200 triệu đồng cho Bình mượn. Giờ nó trốn, nếu không trả được khoản vay này, gần chục người trong gia đình tôi không còn nhà ở lẫn đất canh tác. Tôi quá bất ngờ và bức xúc vì hành vi trốn nợ này của Bình. Mấy hôm trước nó vẫn bình thường, không có dấu hiệu đáng nghi nào. Khi không thấy nó lên đóng lãi ngân hàng như hàng tháng, bà con trong làng đến phá cửa nhà nó thì trong nhà không còn đồ đạc gì giá trị, tài sản nó cũng tẩu tán hết rồi”.
Một số hộ dân làm đơn tố cáo ông Bình tại Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Tiếp cận các mối quan hệ của ông Pip, ông Bình biết gia đình ông Rơ Châm Bek (làng Bồ 2, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) cần vốn đầu tư sản xuất mà không vay ngân hàng được vì thủ tục khó khăn, rườm rà. Cuối năm 2017, sau khi giúp ông Bek vay 100 triệu đồng, ông Bình mượn lại của ông Bek 50 triệu đồng. Vừa đáo hạn cách đây một tháng thì ông Bek không thấy ông Bình lên ngân hàng trả lãi nữa. Gọi điện thoại không liên lạc được, ông cùng một số người tìm đến nhà thì biết gia đình ông Bình đã rời khỏi nơi cư trú.
Tất cả những trường hợp cho ông Bình vay tiền, vay nông sản đều không có giấy tờ hay hợp đồng vay mượn. Đến khi biết bị lừa, người dân mới trình báo lên cơ quan chức năng. Về phía chính quyền xã Ia Bă, huyện Ia Grai, nơi ông Bình sinh sống và vay mượn của nhiều người, Cán bộ địa chính xã Ia Bă cho biết: Hiện các thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất có thể tiến hành tại các văn phòng công chứng. Lợi dụng kẽ hở này, những đối tượng có ý đồ xấu đã đưa bà con, nhất là người dân tộc thiểu số ra thành phố Pleiku làm thủ tục sang nhượng nhằm qua mặt sự quản lý của địa phương. Nếu làm thủ tục tại địa phương, địa phương có cơ sở để cảnh báo sự nguy hiểm khi chuyển nhượng tên sổ đỏ để vay tiền sản xuất nhưng làm nơi khác, địa phương không quản lý được.
Trung tá Phạm Chính Nghĩa cho hay, cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ vụ việc. Để hạn chế các trường hợp tương tự xảy ra trên địa bàn, Trung tá Phạm Chính Nghĩa khuyến cáo người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trong việc tin tưởng, giao tài sản hay ký các hợp đồng dân sự với người khác. Khi cho người khác vay tiền phải tìm hiểu nhân thân, có độ tin tưởng cao và phải làm hợp đồng vay mượn có người làm chứng. Khi ký hợp đồng, phải đọc kỹ các điều khoản.
Ngoài ra, Trung tá Nghĩa cũng kiến nghị lên cơ quan chức năng cần mở rộng các phương án cho người dân tộc thiểu số vay vốn để kinh doanh sản xuất, tích cực hỗ trợ, hướng dẫn khâu thủ tục vay vốn để bà con dễ tiếp cận nguồn vốn vay của Nhà nước, tránh tình trạng khi đi vay, một số người chưa biết chữ hoặc hạn chế về kiến thức nên khó khăn trong khâu làm hồ sơ thủ tục. Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng điểm này nhằm dụ dỗ bà con sang nhượng quyền sử dụng đất cho họ để làm thủ tục nhanh hơn, rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Hiện nay, trên địa bàn Gia Lai có hàng chục Ngân hàng, song người dân tộc thiểu số trên địa bàn vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn để phát triển kinh tế, vì gặp khó trong khâu thủ tục vay vốn.
Hồng Điệp