Bệnh nhân Đoàn Đình Luận, trú tại xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: TTXVN phát |
Ngay sau khi 2 bệnh nhân nhập viện, kíp trực cấp cứu đã lập tức đặt nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, dùng thuốc chống loạn nhịp, sốc điện cấp cứu, bù dịch, dùng thuốc vận mạch…Hiện tại, sau khi cấp cứu, hồi sức và điều trị tích cực, cả 2 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Thạc sỹ, bác sỹ Lê Trung Chính, Trưởng Khoa Y học dân tộc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo: Củ ấu tẩu (còn gọi là củ ấu tàu), là rễ củ của cây ô đầu, được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A nhưng cũng là một vị thuốc quý sau khi được bào chế cẩn thận. Trong thành phần của ấu tẩu chứa aconitin là một chất rất độc. Người bị ngộ độc rượu ấu tẩu thường có các triệu chứng như: Rối loạn cảm giác tại chỗ, cảm giác kiến bò ở lưỡi rồi mất hết cảm giác dẫn tới tê môi, lưỡi, họng, mặt, các chi cũng có thể mất cảm giác, nôn mửa, vã mồ hôi, chảy nước dãi, co giật, rối loạn hô hấp, loạn nhịp tim và có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng cách.
Ấu tẩu được dùng ngâm rượu dễ gây ngộ độc. Ảnh: baogiaothong.vn |
Trong trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc rượu ấu tẩu, người nhà cần cấp cứu ban đầu bằng cách gây nôn ngay, sau đó nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế để kịp thời điều trị. Người dân tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà tự theo dõi và tự ý điều trị, bệnh nhân có thể tử vong nhanh do suy hô hấp hoặc loạn nhịp tim. Khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tẩu, người dân phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc; không tự chế biến củ ấu tẩu làm thức ăn nếu không biết cách chế biến để loại bỏ độc tố. Người dân cũng tuyệt đối không được uống rượu ngâm củ ấu tẩu. Các loại rượu ngâm ấu tẩu dùng để xoa bóp phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.
Nguyễn Văn Tý