Cảnh báo lũ do mực nước trên các sông ở Thái Nguyên đang dâng cao

Ngày 23/8, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên cho biết, mực nước trên sông Cầu tại các trạm thủy văn Gia Bẩy và Chã đang lên nhanh và nguy cơ xuất hiện lũ. Cụ thể, tại trạm thủy văn Gia Bẩy vào lúc 7 giờ ngày 23/8, mực nước đạt mức 2.434 cm, thấp hơn 66 cm so với báo động cấp I và vẫn đang có xu thế tăng nhanh. Còn tại trạm thủy văn Chã, mực nước thấp hơn báo động cấp I là 310 cm và cũng đang tăng nhanh. Tại Hồ Núi Cốc trên sông Công, mực nước đã cao hơn báo động cấp I là 63 cm và đang vận hành xả lũ với lưu lượng từ 50 đến 200 m3/giây.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên cũng cảnh báo lũ trên sông Cầu tại các trạm thủy văn Gia Bẩy và Chã tiếp tục có xu thế tăng nhanh trong 24 giờ tới. Tại trạm thủy văn Gia Bẩy mực nước lũ có khả năng đạt mức báo động cấp II (2600 cm). Tại trạm thủy văn Chã mực nước lũ có khả năng ở mức dưới báo động cấp I (800 cm). Tại Hồ Núi Cốc mực nước có khả năng ở mức báo động cấp II (4700 cm) và chịu ảnh hưởng theo chế độ vận hành xả lũ của hồ. Ngoài ra, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ven sông, sạt lở bờ sông, ngập úng và ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven các sông, suối và những điểm xung yếu như bờ taluy cao, bãi thải, khu vực dân cư sinh sống ở ven sông... Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt ở cấp I.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên dự báo, từ nay đến ngày 25/8, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió lên đến 5.000 m, khu vực tỉnh Thái Nguyên trong 24 đến 48 giờ tới có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông kèm lốc, sét, gió giật mạnh với lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Thiên tai có thể gây ra sạt lở đất, lũ quét đặc biệt là các khu vực có địa hình dốc; làm giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt và tai nạn giao thông. Mưa lớn có thể làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng đường... Mưa lớn kèm theo các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.

Các địa phương trong tỉnh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chủ động phòng chống thiên tai nhằm kịp thời ứng phó và giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.

Thu Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm