Tại tỉnh Quảng Ngãi, những ngày qua, nắng nóng diễn ra gay gắt trên diện rộng, khiến thực bì nhiều cánh rừng khô mục, dễ bén lửa. Cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đã phát đi cảnh báo cháy rừng cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
Theo Cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có gần 263.000 ha rừng; trong đó 106.000 ha rừng tự nhiên và hơn 156.000 ha rừng trồng. Do thời tiết khô, hạn kéo dài, có khả năng cháy lớn và lan nhanh trên các loại rừng, Cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp huyện, xã tập trung chỉ đạo lực lượng chức năng, chủ rừng tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, lâm phần quản lý. Vùng đang có cảnh báo cháy, tuyệt đối cấm người dân không đốt nương, rẫy, thực bì, đốt ong hay có các hoạt động dùng lửa khác ở trong rừng và gần rừng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ngãi xảy ra một vụ cháy rừng trồng, chức năng sản xuất (ngày 19/4/2023) với diện tích thiệt hại 1,18 ha, tại lô 221, khoảnh 4, tiểu khu 340 thôn Hưng Long, xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ. Hiện Hạt Kiểm lâm đang điều tra xác minh, xử lý theo quy định.
Đến nay, cơ quan chức năng đã tổ chức diễn tập chữa cháy rừng cấp xã trên địa bàn 12/13 huyện, thị xã, thành phố. 143 Ban Chỉ đạo phòng, chống cháy rừng cấp xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã được kiện toàn, chủ động các phương án phòng, chống cháy rừng. Quảng Ngãi đã tuyên truyền 166 đợt về công tác phòng, chống cháy rừng thông qua họp dân với 8.048 lượt người tham gia; tuyên truyền trên loa đài phát thanh của xã 131 lượt; tuyên truyền trực tiếp cho 418 chủ rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng với 1.437 chủ rừng, hộ gia đình.
Huyện miền núi Sơn Tây có hơn 22.900 ha rừng, trong đó có hơn 12.000 ha rừng tự nhiên, hơn 10.000 ha rừng trồng. Địa hình đồi núi cao, chia cắt phức tạp diễn biến nắng nóng gay gắt kéo dài những ngày qua khiến nhiều cánh rừng trên địa bàn có nguy cơ xảy ra cháy cao. Kiểm lâm viên Nguyễn Minh Hải, Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây cho biết, bước vào đầu mùa nắng nóng, Hạt phối hợp với các địa phương tăng cường diễn tập các phương án chữa cháy rừng ở địa hình phức tạp khó khăn cho lực lượng chữa cháy rừng ở thôn, xã và huyện như: xác định vị trí cháy rừng, việc huy động các lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, sơ, cấp cứu người bị thương trong quá trình tham gia chữa cháy...
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nắng nóng diễn ra gay gắt, huyện đã chủ động các phương án sát nhất đối với công tác phòng, chống cháy rừng, trong đó chú trọng đến lực lượng nòng cốt đó là kiện toàn các tổ phòng cháy, chữa cháy rừng ở từng xã, tuyên truyền, vận động người dân phát cây keo phải báo cáo chính quyền, khi triển khai đốt thực bì phải có phương án chống cháy rừng. Với tình trạng nắng nóng gay gắt như hiện tại, huyện đã cấm tuyệt đối người dân đốt thực bì trong rừng, rẫy để tránh nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Thị xã Đức Phổ có gần 14.000 ha rừng phân bố trên 14 xã, phường, trong đó hơn 2.000 ha rừng tự nhiên và gần 12.000 ha rừng trồng. Đây là một trong những khu vực có cường độ, thời gian nắng nóng nhiều nhất của tỉnh Quảng Ngãi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng.
Ông Võ Văn Trình, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ cho hay, địa bàn này chủ yếu là rừng trồng do các chủ rừng quản lý. Do đó, đơn vị đã yêu cầu 198 chủ rừng ký cam kết bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng, hướng dẫn xây dựng và tập dượt 27 phương án phòng, chống cháy rừng cho cộng đồng và hộ gia đình. Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin nắng nóng, cảnh báo cháy rừng lên mạng xã hội để chủ động kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng; nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong, gần rừng và đốt xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy trong những ngày nắng nóng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Trọng Phương cho biết, trước diễn biến nắng nóng gay gắt, El Nino, ngành Nông nghiệp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Chỉ thị 07 về phòng, chống cháy rừng với các nhiệm vụ, trong đó nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và người dân trong công tác phòng, chống, chữa cháy rừng, coi việc phòng, chống cháy rừng là nhiệm vụ hết sức quan trọng và phải thực hiện nghiêm; tuyệt đối không được dùng lửa ở những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngành triển khai phương tiện, lực lượng tổ chức ứng trực 24/24, hạn chế tối đa người dân vào rừng, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy rừng. Đồng thời, ngành Nông nghiệp thường xuyên phát cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Phạm Cường