Những căn nhà vừa được hỗ trợ xây mới của các gia đình chính sách tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN. |
Tỉnh Gia Lai có gần 37.000 hộ nghèo, trong đó hơn 10% tổng số hộ khó khăn về nhà ở, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, các hộ đang sống ở thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai, mới chỉ có 940 hộ được hỗ trợ vay vốn. Hiện nay, có 1.000 hộ nghèo đã rút khỏi danh sách vay vốn do không có nhu cầu. Đến nay, huyện Mang Yang mới giải ngân được cho 13/154 trường hợp hộ nghèo vay vốn làm nhà ở. Theo Quyết định 33, mỗi hộ nghèo được vay 25 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%, thời hạn vay 15 năm. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế quá khó khăn, đa số các hộ nghèo đều không dám đăng ký vay vì không có nguồn chi trả ngân hàng. Chị Blưi, sinh năm 1991, làng Đê Bơ Tơk, xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang, cho biết kinh tế gia đình chị chỉ trông chờ vào gần 1 ha sắn. Chị Blưi cho biết, có nghe thông báo về việc Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn làm nhà nhưng chị không dám đăng ký vay vì nhà quá nghèo, vay vốn rồi không biết lấy gì để chi trả. Còn chị Đinh Thị Ban, sinh năm 1990, dân tộc Bahnar, tại làng Bông Pim, xã Đăk Jơ Ta, cho biết chị không nắm được thông tin về việc hỗ trợ vay vốn làm nhà ở. Gia đình chị Ban thuộc hộ nghèo, có hai người con, chồng đi làm thuê, chị Ban đang ở nhà chăm con nhỏ nên kinh tế rất khó khăn. Giải thích về việc bỏ sót đối tượng có nhu cầu vay vốn, ông Phạm Đức Minh, Trưởng phòng Tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mang Yang cho biết: Ngân hàng không tiến hành cuộc khảo sát đánh giá hộ nghèo, chỉ giải ngân thông qua danh sách từ chính quyền cơ sở. Do vậy nếu có trường hợp bỏ sót đối tượng có nhu cầu vay vốn là do cán bộ địa phương chưa rà soát kỹ lưỡng, tiến hành triển khai chính sách chậm, dẫn đến tình trạng giải ngân chậm cho người dân. Năm 2017, Ngân hàng chỉ giải ngân được đối với 8/30 hồ sơ. Chính sách đã được đưa vào cuộc sống để hỗ trợ người nghèo có nhà ở kiên cố nhằm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Nhiều hộ có nhu cầu vay vốn nhưng do lo lắng không biết lấy nguồn thu ở đâu để trả nợ ngân hàng nên không dám vay, dẫn đến tình trạng những ngôi nhà tạm bợ, dột nát vẫn còn khá nhiều ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai. Ông Lưu Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai cho biết: Nguồn vốn hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ trên thực tế chưa đáp ứng cho việc xây dựng nhà ở theo tiêu chí của Đề án, bản thân các hộ được hỗ trợ đều có hoàn cảnh khó khăn. Việc huy động hỗ trợ thêm từ cộng đồng ở địa phương còn hạn chế. Ngoài ra, việc lồng ghép các chương trình hỗ trợ khác ở địa phương chưa tốt, các chương trình hỗ trợ về nhà ở hầu như vẫn được thực hiện độc lập nên chưa thống nhất được nguồn hỗ trợ để nâng cao chất lượng căn nhà. Theo ông Lưu Văn Thanh, chính quyền cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người dân một cách sâu sát hơn. Để người nghèo có nhà ở ổn định, yên tâm sản xuất, phát triển đời sống kinh tế, cần sự chung tay cả hệ thống chính trị trong việc tích cực phổ biến rộng rãi chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời kết hợp đồng bộ từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tiếp cận khoa học kỹ thuật cũng như nâng cao dân trí để người dân chủ động khả năng chi trả các nguồn vốn vay
Hồng Điệp