Cần Thơ huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Buổi tập huấn mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ Khmer ở ấp Thới Hòa 2, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ (thành phố Cần Thơ). Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Buổi tập huấn mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ Khmer ở ấp Thới Hòa 2, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ (thành phố Cần Thơ). Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ có kế hoạch về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024. Dự kiến, tổng kinh phí huy động các nguồn lực, lồng ghép để thực hiện một số dự án thuộc Chương trình trong năm 2024 trên địa bàn là trên 20,1 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư thành phố là 14,3 tỷ đồng, vốn sự nghiệp thành phố là 5,67 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội là 100 triệu đồng…

Thành phố đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số gần bằng với thu nhập bình quân khu vực nông thôn; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 0,3% trở lên; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở cho đồng bào; tăng tỷ lệ học sinh các bậc học đến trường. Địa phương phấn đấu tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của đồng bào dân tộc thiểu số đạt 55%; tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại...

Để đạt được các chỉ tiêu trên, thành phố sẽ thực hiện lồng ghép 7 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Đó là: Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”; Dự án 3 “Phát triển sản xuất nông lâm, ngư nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”; Dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”; Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”; Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em”; Dự án 9 “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn”; Dự án 10 “Truyền thông, tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình”.

Thành phố Cần Thơ giao Ban Dân tộc thành phố là cơ quan chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Chỉ đạo thành phố thực hiện kế hoạch, đồng thời theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết kết quả triển khai…

Thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần phát giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm. Đầu năm 2023, thành phố còn 113 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số (chiếm 1,14%); đến cuối năm 2023 đã giảm còn 54 hộ (chiếm 0,53% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số).

Toàn thành phố có 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số có phương tiện nghe, nhìn và xem đài phát thanh truyền hình; gần 100% số hộ trên địa bàn sử dụng điện. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề chiếm 50,2%; tỷ lệ học sinh Mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 98%; tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số nhập học đúng độ tuổi bậc Tiểu học đạt 100%; tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 10 tuổi trở lên biết chữ chiếm 98,47%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi còn 9%; không có trẻ tử vong dưới 1 tuổi…

Ngọc Thiện

Có thể bạn quan tâm