Nông dân trên địa bàn quận Ô Môn, TP Cần thơi đã thành lập 3 hợp tác xã để liên kết sản xuất cây ăn trái. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN |
Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ đặt mục tiêu tiếp tục kiện toàn và đẩy mạnh phát triển cả về quy mô và chất lượng của kinh tế hợp tác, hợp tác xã thành phố. Cụ thể, thành lập mới từ 100 tổ hợp tác và 35 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trở lên; xây dựng ít nhất 15 mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm bền vững bằng nguồn lực của trung ương và địa phương; tăng số lượng thành viên của hợp tác xã từ 10% trở lên so với năm 2017; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đạt 50%; tăng vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã thành phố tối thiểu đạt 20 tỷ đồng. Để đạt được những mục tiêu trên, Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ sẽ phối hợp với UBND quận, huyện và cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đổi mới phương thức tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển hợp tác xã và lợi ích của hợp tác xã mang lại cho các thành viên để nâng cao nhận thức của người dân và các cấp, ngành về hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị; đẩy mạnh truyền thông về hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị; mở các lớp tập huấn về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã cho lãnh đạo cấp huyện, xã, trưởng thôn, bản và tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài ra, Liên minh sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tiến hành rà soát những vướng mắc, khó khăn của các hợp tác xã. Trên cơ sở đó, thực hiện hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã; tập huấn cho cán bộ ở các địa phương về kiến thức kinh tế tập thể; tăng cường các giải pháp huy động vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp; phát triển mở rộng liên kết sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản thông qua thực hiện liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp; hỗ trợ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất. Liên minh hợp tác xã thành phố cũng chủ trương phát triển đa dạng hình thức tổ hợp tác, tạo điều kiện phát triển liên hiệp hợp tác xã ở các địa phương, liên vùng để sản xuất gắn với chuỗi giá trị; trong đó, tập trung cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Song song đó, tập trung đầu tư nâng cao năng lực hỗ trợ, tư vấn và cung ứng các dịch vụ theo nhu cầu của các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã có điều kiện và năng lực sản xuất kinh doanh có hiệu quả; đề xuất đổi mới mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã để tăng khả năng huy động nguồn lực từ thị trường, tăng khối lượng vốn cho vay đối với hợp tác xã; đổi mới và nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ về công nghệ, quản trị và xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã.
Anh Lộc bên trại ươm lươn giống của HTX thủy sản Thuận Thiên xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ. Ảnh:baomoi.com |
Quan trọng nhất, Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ sẽ tập trung nâng cao vị trí, vai trò của chính mình để thực hiện tốt chức năng tham mưu và vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn thành phố; trong đó, chú trọng bố trí biên chế, chế độ phụ cấp công vụ, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và chính trị đối với cán bộ, viên chức; tăng cường cơ sở vật chất; phân bổ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững của Trung ương để thực hiện hỗ trợ hệ thống hợp tác xã thành phố, đạt tiêu chí 13 xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Liên minh sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố và các ban, ngành hữu quan đẩy mạnh hoạt động đối ngoại theo hướng tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; tìm kiếm, kêu gọi các đối tác để khai thác hiệu quả các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế phục vụ việc phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; xây dựng và triển khai Đề án nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cho cán bộ đối ngoại và tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động hợp tác quốc tế trong cả hệ thống Liên minh hợp tác xã thành phố Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ cho biết, hiện thành phố có 223 hợp tác xã và 1.349 tổ hợp tác đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng, thương mại dịch vụ và quỹ tín dụng; trong đó, có khoảng 72% hợp tác xã đã chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; nhiều hợp tác xã chuyên sản xuất lúa giống, nuôi cá tra xuất khẩu đạt doanh thu và lợi nhuận cao, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên. Năm 2017, toàn thành phố có 35 hợp tác xã thành lập mới, tăng 46,5% so với năm 2016; trong đó, hợp tác xã nông nghiệp chiếm 51%. Mối quan hệ hợp tác, liên kết sản xuất – kinh doanh giữa các thành phần kinh tế được đẩy mạnh ở nhiều địa phương, từ đó xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Số lượng, hiệu quả hoạt động và sự đa dạng của các loại hình hợp tác xã đều được nâng cao; số lượng thành viên tăng; doanh thu, lợi nhuận tăng, mang lại lợi ích cho thành viên và đáp ứng nhu cầu sản xuất của các ngành công nghiệp, dịch vụ, đời sống ở cả địa bàn nông thôn và đô thị./.
Hồng Giang