Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm, trong đó phần lớn là trẻ em, học sinh.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em ở Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong thập kỷ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người, là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em từ 5-14 tuổi trên thế giới. Hơn 90% trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam mỗi năm có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.
Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, hầu hết trẻ em đều thích nước vì đó là môi trường để vui chơi, khám phá nhiều điều mới lạ. Tuy nhiên, môi trường nước lại luôn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, vì thế cần khuyến khích trẻ em, học sinh học bơi an toàn, học những kỹ năng phòng tránh đuối nước, hình thành các kỹ năng sinh tồn cần thiết để chủ động ứng phó khi không may gặp tai nạn đuối nước, cũng như đảm bảo an toàn khi tham gia hoạt động trong môi trường nước.
Tại tỉnh Bình Phước, từ đầu tháng 5/2022 đến nay đã xảy ra hàng loạt vụ đuối nước thương tâm khiến nhiều trẻ em và học sinh tử vong. Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết, năm 2016 trên địa bàn tỉnh có 24 trẻ đuối nước dẫn đến tử vong, năm 2017 có 14 trẻ, năm 2018 có 16 trẻ, năm 2019 có 5 trẻ, năm 2020 có 6 trẻ và năm 2021 là 19 trẻ. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn đã có 11 trẻ em, học sinh bị tai nạn đuối nước dẫn đến tử vong.
Đơn cử trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, một nhóm gồm 9 học sinh lớp 11 đi chơi tại hồ nước ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, không may bị đuối nước dẫn đến 4 em tử vong.
Ngày 2/5, tiếp tục xảy ra vụ đuối nước khiến cháu bé 8 tuổi tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tử vong; ngày 16/5 trên địa bàn xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, lại xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 cháu nhỏ từ 4 đến 6 tuổi tử vong khi đến chơi tại hồ nước trong rẫy…
Theo Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo chú trọng “tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước; giáo dục kỹ năng bơi an toàn cho học sinh”.
Theo Vụ Giáo dục Thể chất và Cục Trẻ em, việc tổ chức dạy bơi an toàn là một hoạt động mang tính kỹ thuật, là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả để phòng tránh đuối nước trẻ em, học sinh. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn và phù hợp với chức năng giáo dục của nhà trường là giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ của học sinh trong phòng tránh đuối nước.
Tại Bình Phước, ngày 17/5/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn yêu cầu các đơn vị tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh. Trong đó, yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước, đảm bảo an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, học sinh. Bên cạnh đó, xây dựng các chuyên đề tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống đuối nước trên đường đi học, khi tham quan, dã ngoại, tắm biển, đi bơi, khi vui chơi tại cộng đồng nơi có các nguồn nước mở, khi hoạt động trong môi trường nước; cứu đuối an toàn khi thấy bạn bị đuối nước...
Sở chủ động phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương rà soát, phát hiện các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo kịp thời; tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước cho các em trong dịp hè.
Theo các chuyên gia, việc đưa môn học bơi lội vào giảng dạy trong nhà là hết sức cần thiết, giúp lứa tuổi học sinh phát triển về thể chất, trang bị kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống đó là bơi lội. Ngoài ra, học sinh cần được trang bị các kỹ năng như việc nhận biết những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước; nhận biết các biển cấm tại các khu vực ao hồ, sông, biển, nơi có nguy cơ cao dẫn đến đuối nước; phương pháp cứu đuối an toàn và sơ cấp cứu ban đầu…
Đối với lý do thiếu cơ sở vật chất phục vụ việc dạy bơi trong trường học, các chuyên gia cho rằng một khi xem việc dạy và học bơi là môn học cần thiết và bắt buộc thì chắc chắn sẽ có giải pháp phù hợp. “Nếu nhà nước chưa có điều kiện để xây dựng hồ bơi trong các trường học thì địa phương có thể huy động từ nguồn xã hội hóa. Một khi chủ trương đưa ra là phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là vì thế hệ tương lai của đất nước, vì tương lai con em thì không chỉ huy động được nhiều nguồn lực khác mà phụ huynh học sinh cũng sẽ sẵn sàng đóng góp để con em có môi trường học tập tốt hơn”, một chuyên gia nhận định.
Sỹ Tuyên