Nỗ lực ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em tại Đắk Lắk

Nỗ lực ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em tại Đắk Lắk

Gần đây, địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm khiến nhiều em nhỏ tử vong. Thực trạng trẻ em bị đuối nước không chỉ là hồi chuông cảnh báo để gia đình, nhà trường sát sao, quan tâm hơn đến trẻ em, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần có giải pháp thiết thực, hiệu quả để kiềm chế tai nạn đuối nước.

Nỗ lực ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em tại Đắk Lắk ảnh 1Hiện trường vụ tai nạn đuối nước làm 3 học sinh tử vong ngày 18/4 tại đập nước Bà Tỵ, thôn Thăng Tiến 2, xã Hòa An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN phát

Chiều 10/4/2022, hai con gái 15 tuổi và 10 tuổi của chị Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1982, trú tại thôn Ea Lê, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cùng một người bạn đi mò ốc ở ao gần nhà. Không ngờ, lần đi mò ốc ấy khiến ba em ra đi mãi mãi vì đuối nước. Trước đó, tại xã Cư Pơng, huyện Krông Búk cũng xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm khiến ba em nhỏ trong một gia đình tử vong.

Mới đây, chiều 18/4, tại xã Hòa An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cũng xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Nhóm 5 học sinh Trường Tiểu học Trần Phú rủ nhau ra đập nước Bà Tỵ (thôn Thăng Tiến 2, xã Hòa An) chơi. Trong lúc chơi đùa, ba em bị trượt chân ngã xuống hố nước sâu. Hai em trên bờ hô hoán song khi người lớn chạy đến cứu vớt cả ba em đã tử vong.

Các vụ đuối nước ở trẻ em tại Đắk Lắk đa số xảy ra ở vùng sâu, vùng xa. Sự ra đi của các em khiến những nỗi đau ở vùng quê nghèo càng thêm xé lòng.

Nỗ lực ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em tại Đắk Lắk ảnh 2 Tỉnh Đắk Lắk tăng cường cảnh báo phòng, chống đuối nước ở ao, hồ, sông, suối. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN

Giai đoạn 2018-2021, tỉnh Đắk Lắk có 242 trẻ tử vong do tai nạn đuối nước. Từ đầu năm 2022 đến nay, 8 vụ tai nạn đuối nước đã xảy ra khiến 16 trẻ tử vong. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em tại tỉnh Đắk Lắk như: Trẻ không biết bơi, kỹ năng sơ cấp cứu khi trẻ bị đuối nước chưa phổ biến rộng rãi... Mặt khác, địa bàn tỉnh có nhiều ao, hồ, sông, suối, đập thủy lợi, đặc biệt nhiều ao, hồ tự phát không được rào chắn, lắp đặt biển cảnh báo, trẻ mải chơi không lường trước được nguy hiểm, dẫn đến đuối nước thương tâm.

Để phòng, chống tai nạn thương tích, tỉnh triển khai nhiều giải pháp như, phát động phòng, chống đuối nước hàng năm, tập huấn phòng, chống tai nạn thương tích cho cán bộ làm công tác trẻ em, phối hợp triển khai dự án “Hỗ trợ các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước ở trẻ em” tại hai huyện Cư M’Gar và Ea Kar... Năm 2021, tỉnh tổ chức nói chuyện chuyên đề về kỹ năng sống giữa chuyên gia với hơn 3.000 học sinh, treo 70 băng rôn, 500 cờ phướn tuyên truyền Tháng hành động vì trẻ em...

Theo ông Ma Văn Mới, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ea Lê, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, thôn có 183 hộ, 989 nhân khẩu với hơn 90% là người dân tộc thiểu số. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về đuối nước, cán bộ nên tới tận thôn, buôn thay vì treo pano, khẩu hiệu ở trung tâm xã như hiện nay; đa dạng hình thức tuyên truyền trên loa, bằng nhiều thứ tiếng như Kinh, Ê Đê, M’nông. Các cấp chính quyền tạo điều kiện dạy bơi, hỗ trợ sân chơi cho trẻ em vùng sâu, vùng xa.

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước, các cấp chính quyền cần sớm tuyên truyền, vận động người dân rào chắn, lắp biển cảnh báo ở ao, giếng, hồ tự phát trong phần đất của gia đình. Các ngành, đoàn thể cùng cộng đồng xã hội chung tay tạo sân chơi, quan tâm vận động xã hội hóa hồ bơi, tổ chức lớp dạy bơi cho trẻ. Điển hình như thầy giáo Mai Văn Chuyền (Trường Trung học Cơ sở Ngô Mây, huyện Cư M'Gar). Hè năm 2021, thầy cùng Câu lạc bộ Vì đàn em thân yêu mang "Bể bơi di động" đến tận thôn, buôn ở một số xã của huyện Cư M'Gar để dạy bơi miễn phí.

Ông Nguyễn Duy Tuyết, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước ở trẻ em; trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu ở cơ sở có xảy ra các vụ tai nạn thương tích nghiêm trọng và có trẻ tử vong nhằm phát huy vai trò người đứng đầu trong việc kiềm chế tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Liên quan đến công tác dạy và học bơi trong nhà trường, năm học 2021 - 2022, tỉnh Đắk Lắk có hơn 1.000 trường từ các cấp mầm non đến phổ thông nhưng chỉ có 58 trường có bể bơi phục vụ dạy, học bơi. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác giáo dục phòng, chống đuối nước bằng nhiều hình thức. Song việc đầu tư cơ sở vật chất đặc biệt là đầu tư bể bơi trong trường học còn hạn chế. Thời gian tới, Sở ban hành tài liệu, sổ tay, cẩm nang phòng, chống đuối nước đến học sinh, phụ huynh; thành lập Câu lạc bộ bơi lội... Sở chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, hồ bơi tư nhân trên địa bàn để tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em.

Những ngày này, thời tiết tại Đắk Lắk đang nắng nóng, hanh khô, học sinh sắp được nghỉ hè. Công tác quản lý, giám sát, tạo sân chơi cho trẻ trong dịp Hè và cảnh báo, phòng chống đuối nước cần được thực hiện sát sao, hiệu quả hơn. Ngoài nỗ lực của các cấp, ngành, phụ huynh, người giám sát trẻ nên chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, chống đuối nước, nâng cao kỹ năng bơi lội, kỹ năng sơ cấp cứu cho gia đình mình, từ đó góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm