Người lao động nhận sổ bảo hiểm xã hội. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN |
Yêu cầu cải cách Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, đến nay chính sách BHXH tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đánh giá của ILO, hệ thống chính sách BHXH của Việt Nam đã hình thành khá đồng bộ, bao quát hầu hết các chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế (thực hiện 8 trong số 9 chế độ BHXH và công ước số 102 của ILO). Cụ thể, BHXH bắt buộc và tự nguyện; đối với cả người có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động; khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức. Hệ thống chính sách BHXH, các quan hệ BHXH được thiết kế, điều chỉnh ngày càng phù hợp với nền kinh tế thị trường; quỹ BHXH trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những người và giữa các thế hệ tham gia BHXH; diện bao phủ BHXH ngày càng được mở rộng; số lượng người hưởng chế độ BHXH không ngừng tăng lên; tổng số thu - chi BHXH tăng nhanh... Tuy nhiên, chính sách BHXH thời gian qua cũng bộc lộ không ít những hạn chế khi diện bao phủ BHXH vẫn còn thấp, hiện mới có khoảng 29% lực lượng lao động trong độ tuổi (13,9 triệu người tham gia BHXH, hơn 34 triệu người trong độ tuổi lao động (khoảng 71%) chưa tham gia BHXH); số người tham gia tự nguyện sau 10 năm triển khai chính sách này mới chỉ đạt gần 300 nghìn người; quỹ hưu trí và tử tuất khó bảo đảm cân đối trong dài hạn; chưa có sự hỗ trợ lẫn nhau trong các chính sách BHXH... Nguyên nhân chính là do hệ thống BHXH hiện nay còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ dẫn tới diện bao phủ còn thấp, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và khu vực không có quan hệ lao động. Chính sách BHXH tự nguyện cho khu vực phi chính thức mới giới hạn ở hai chế độ (hưu trí, tử tuất). Các nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ chưa được quán triệt đầy đủ; thiết kế chính sách hưu trí nhiều điểm chưa phù hợp. Đặc biệt, chính sách tiền lương hưu chưa tách bạch với việc thiết kế và thực thi chính sách tiền lương của người đương chức trong khu vực hành chính, mức lương hưu đang có sự phân hóa khá mạnh, khoảng cách giàu - nghèo giữa những người nghỉ hưu gia tăng... Để bảo đảm các mục tiêu về an sinh xã hội, cần có những cải cách trong thiết kế hệ thống và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, thật sự là trụ cột của chính sách an sinh, góp phần thực hiện tiến độ và công bằng xã hội, bảo đảm mọi người lao động đều được tiếp cận và thụ hưởng quyền an sinh xã hội; tuân thủ nguyên tắc công bằng, bền vững tài chính và chia sẻ rủi ro của hệ thống BHXH là vấn đề cấp thiết trước mắt cũng như lâu dài…Thiết kế chính sách dài hạn Hiện nay, Đề án Cải cách chính sách BHXH đang được lấy ý kiến và hoàn thiện và sẽ được Hội nghị T.Ư 7 đưa ra thảo luận vào tháng 5-2018. Đề án cải cách chính sách BHXH đưa ra mục tiêu đến năm 2021 phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động; khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân tham gia BHXH đạt mức 80%. Năm 2025, có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động; 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội. Đến năm 2030, phấn đấu có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng trong độ tuổi; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH và trợ cấp BHXH. Tại buổi tọa đàm khoa học “Cải cách chính sách BHXH và cải cách chính sách tiền lương” do Hội đồng Lý luận Trung ương vừa tổ chức, phát biểu tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, Đề án cải cách chính sách BHXH cần được thiết kế chính sách đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro. Cụ thể, tầng thứ nhất là tiền trợ cấp của Chính phủ cho người cao tuổi (đang thực hiện) do BHXH chi trả, đồng thời bổ sung hình thức cho người thụ hưởng đóng thêm theo nguyên tắc đóng hưởng để hỗ trợ cho quỹ và nâng cao chất lượng chi trả. Tầng thứ hai là bao phủ đối tượng có thu nhập thì có đóng BHXH, trong đó Nhà nước hỗ trợ một phần việc tham gia BHXH cho người nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp để hình thành văn hóa đóng - hưởng. Việt Nam đã thành công với cách thức này khi hỗ trợ người khó khăn đóng BHYT. Và tầng thứ ba là thiết kế chính sách hưu trí tự nguyện lưu thông với khối thị trường. Đồng thời, để bảo đảm nguyên tắc của chính sách và duy trì, phát triển quỹ, Đề án quy định người lao động tham gia BHXH hơn 10 năm thì mới bắt đầu được hưởng trợ cấp hưu trí. Nếu người lao động rời khỏi hệ thống trước thì chỉ được hưởng số tài khoản hiện hữu. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lương hưu độc lập với điều chỉnh tiền lương công chức, khi có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và phù hợp với ngân sách Nhà nước. Đề án cũng đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của quỹ BHXH, tập trung theo phương án điều chỉnh tăng tuổi từ 1-1-2021 theo lộ trình với người lao động bình thường trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Nếu không bàn tới tăng tuổi nghỉ hưu thì khó bảo đảm quỹ BHXH. Đánh giá về các mục tiêu của Đề án, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Văn Thạo cho rằng, những chỉ tiêu trong từng giai đoạn của đề án cần cân nhắc kỹ, đề ra phải thực hiện được. Hiện trong chính sách BHXH khó nhất chính là mở rộng BHXH tự nguyện với nông dân. Chính sách BHXH đã mở rộng với đối tượng lao động phi chính thức nhưng phi chính thức ở đô thị dễ thực hiện hơn rất nhiều so với phi chính thức khu vực nông thôn. Do đó, chính sách cần quan tâm hơn nữa đến giải pháp cũng như cách xử lý khi mở rộng BHXH tự nguyện cho nông dân - đây là đối tượng rất rộng nhưng cũng rất khó. Mục tiêu của chúng ta đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó có 5% nông dân tham gia BHXH - Nhà nước hỗ trợ ra sao và cách làm của các nước thế nào để đạt được. Bên cạnh đó, lao động trong các doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu là nguồn lực lao động, nguồn lực khoa học công nghệ yếu, năng suất lao động thấp cho nên nguồn tiền lương đóng BHXH bằng 70% sẽ rất khó. Vì thế, cần tham khảo kinh nghiệm, mô hình của một số nước để học tập và thiết kế chính sách phù hợp ở nước ta.
Theo nhandan.com.vn