Cần chuyên nghiệp hóa và đồng bộ hệ thống cấp cứu ngoại viện tại Thành phố Hồ Chí Minh

Cần chuyên nghiệp hóa và đồng bộ hệ thống cấp cứu ngoại viện tại Thành phố Hồ Chí Minh
Nhân viên nghỉ việc hàng loạt
Thống kê của Hội Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong số khoảng 1 triệu ca cấp cứu mỗi năm được chuyển đến các bệnh viện trên địa bàn thành phố thì có đến 99% người dân tự đi đến bằng các phương tiện xe máy, taxi… chỉ khoảng 1% trường hợp gọi xe cấp cứu 115. Nguyên nhân được chỉ ra là xe cấp cứu thường đến quá chậm, lâu dần người dân không có thói quen gọi xe cấp cứu.
Bệnh nhân được chăm sóc tại Trạm cấp cứu vệ tinh của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
Bệnh nhân được chăm sóc tại Trạm cấp cứu vệ tinh của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
 
Anh Nguyễn Xuân Chi, ngụ phường Phước Long A, Quận 9, có mẹ đẻ mắc bệnh đái tháo đường, mỗi lần mẹ anh bị tụt đường huyết, ngất xỉu anh  đều phải gọi xe cấp cứu đưa mẹ đến bệnh viện. Tuy nhiên, do phải chờ đợi xe quá lâu, thậm chí gọi nhưng xe cấp cứu không đến, anh đành phải chuyển sang gọi taxi, uber, grab để đưa mẹ đến bệnh viện nhanh nhất.

“Nếu gọi được xe cấp cứu là tốt nhất bởi xe thường có bác sỹ đi kèm, mẹ tôi được sơ cứu trước rồi mới chuyển đến bệnh viện thì an toàn hơn nhưng mà đợi xe cấp cứu lâu quá tôi đành phải tự đưa mẹ đến bệnh viện”, anh Chi cho hay.
 
Tương tự, nhiều người dân khi có sự cố về sức khỏe hay bị tai nạn đều tự đưa người bị nạn đến thẳng bệnh viện mà không gọi xe cấp cứu. Bác sỹ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận, người dân vẫn chưa tin vào cấp cứu 115 và chưa có thói quen gọi cấp cứu 115 khi có sự cố về sức khỏe.
Nhân viên trực Tổng đài Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh nhận điện thoại gọi đến. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
Nhân viên trực Tổng đài Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh nhận điện thoại gọi đến. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN

Lý giải cho việc mất niềm tin này, bác sỹ Nguyễn Duy Long cho rằng, giao thông tắc nghẽn, số lượng xe cứu thương ít, nhân sự mỏng là lý do khiến cho xe cấp cứu 115 thường xuyên tiếp cận hiện trường cần cấp cứu chậm chạp.

“Ở những địa bàn ngoại thành, có khi hơn 1 giờ đồng hồ xe cứu thương mới đến được với người dân. Lúc xe cứu thương đến thì người dân đã đi đến bệnh viện bằng phương tiện khác do chờ lâu quá ”, bác sỹ Nguyễn Duy Long chia sẻ.
 
Người dân không gọi cấp cứu 115, nguồn thu của Trung tâm vì thế cũng trở nên eo hẹp. Đây cũng chính là lý do khiến Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh rơi vào khó khăn, nhất là trong bối cảnh ngân sách của Nhà nước đang ngày càng rút dần.

Hiện trung bình mỗi ngày, Trung tâm này nhận tổng cộng khoảng 600 cuộc gọi, trong đó chỉ có khoảng 100 cuộc trao đổi thành công. Và trong số 100 cuộc gọi này, chỉ khoảng 50-60 lần Trung tâm xuất xe có bệnh nhân trả phí. Khoảng 40 lần xuất xe còn lại không nhận được chi phí do khi xe cứu thương đến nơi thì bệnh nhân chờ lâu quá đã tự đến bệnh viện hoặc sau khi cấp cứu, vận chuyển người bệnh đến bệnh viện nhưng không có người trả phí do không có thân nhân.
 
Nguồn thu không ổn định nên  mức thu nhập của nhân viên Trung tâm vô cùng thấp so với mặt bằng chung. Trong khi đó, môi trường làm việc của họ nguy hiểm, không phân biệt giờ giấc, không có cơ hội để phát triển chuyên môn.

Chính vì thế, số lượng nhân sự hàng năm mà Trung tâm tuyển dụng rất ít, đặc biệt là vị trí bác sỹ. Tuyển được nhân sự đã khó song giữ được người lại càng khó hơn. Chỉ trong năm 2017, có 23 người xin nghỉ việc tại Trung tâm cấp cứu 115, trong đó có 6 bác sỹ.

“Thu nhập của các vị trí như y sỹ, điều dưỡng chỉ khoảng 2-3 triệu, bác sỹ thì 4-5 triệu, riêng bản thân tôi là giám đốc cũng chưa tới 7 triệu thì sao mà tuyển được người mới và giữ được người cũ”, bác sỹ Nguyễn Duy Long cho hay.
 
Cần sự phát triển đồng bộ
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân Thành phố, từ năm 2015, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh phát triển mạng lưới hệ thống các trạm cấp cứu vệ tinh 115 đặt tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố.

Đến nay đã có 23 trạm cấp cứu vệ tinh 115 phủ rộng khắp thành phố, đặc biệt là tại các khu vực cửa ngõ như quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ…và đã bước đầu phát huy những hiệu quả nhất định.
Nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh vận chuyển nạn nhân ngộ độc thực phẩm đến bệnh viện cấp cứu.Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
Nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh vận chuyển nạn nhân ngộ độc thực phẩm đến bệnh viện cấp cứu.Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN

Nếu như năm 2015, Trung tâm cấp cứu 115 chỉ có khoảng 5.000 lượt xuất xe nhận bệnh thì đến năm 2017, con số này tăng lên thành 12.176 lượt. Tuy nhiên, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận, con số này vẫn còn vô cùng ít ỏi so với nhu cầu thực tế.
 
Nhận định về dịch vụ cấp cứu 115 tại Thành phố Hồ Chí Minh, bác sỹ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y học công cộng thành phố cho rằng, hệ thống này vừa yếu vừa thiếu và chưa đồng bộ với sự phát tiển kinh tế - xã hội. Trong khi cấp cứu, điều trị trong bệnh viện không ngừng được cải thiện và ngày càng có nhiều bước tiến đáng kể thì cấp cứu ngoại viện vẫn còn “dẫm chân tại chỗ”.

Theo ông Giang, muốn phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện thì vấn đề nhân sự là yếu tố then chốt, sau đó là các trang thiết bị, xe cấp cứu và ứng dụng công nghệ thông tin.
 
“Lâu nay chúng ta vẫn điều hành hệ thống cấp cứu 115 một cách thủ công, nghĩa là người dân gọi điện, trực tổng đài nhận điện, rồi chuyển thông tin cho các trạm vệ tinh. Hiện chỉ 1% nhu cầu gọi 115 thôi thì còn đáp ứng được nhưng nếu 10% trong tổng số 1 triệu ca cấp cứu cùng gọi thì sẽ vỡ trận ngay. Về lâu dài, cần thiết có một hệ thống điều hành thông minh và đồng bộ các trạm cấp cứu vệ tinh phủ rộng khắp nơi như các nước tiên tiến trên thế giới đã làm thì mới giải quyết được”, ông Lê Trường Giang nêu ý kiến.
  
Đồng tình với quan điểm này, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, muốn phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện rất cần có sự đầu tư một cách đồng bộ từ ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị, xe cứu thương đến đào tạo con người.

Dẫn chứng cụ thể, ông Thượng cho biết, ở các nước phát triển như Australia, việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện được sự đầu tư rất lớn từ ngân sách. Mỗi thành phố có hàng chục trạm cấp cứu, mỗi một trạm cấp cứu có đến 5 chiếc xe cứu thương.

Khi nhận được tín hiệu cấp cứu, trên xe sẽ có 2 người là chuyên viên paramedic (chuyên viên cấp cứu ngoại viện) và đầy đủ phương tiện chuyên dùng như băng ca, bình oxy, nẹp, monitor, máy sốc điện, thuốc cấp cứu… với mục đích làm thế nào để tiếp cận người bệnh sớm nhất, sơ cấp cứu tốt nhất cho bệnh nhân.

Trong khi đó, cả Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố hiện nay cũng chỉ có 6 xe cứu thương hoạt động thường xuyên và trên xe cứu thương vẫn còn quá ít các trang thiết bị phục vụ sơ cấp cứu tại hiện trường. Do đó, định hướng trong thời gian tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng hệ thống cấp cứu ngoại viện quy mô và hiện đại hơn, trong đó huy động các bệnh viện tham gia vào việc vận chuyển, cấp cứu ngoại viện.

Ngoài ra, do có nhiều kênh rạch nên thành phố có thể sẽ trang bị thêm cả các ca nô cấp cứu, vận chuyển cấp cứu bằng đường sông khi đường bộ tắc nghẽn; đồng thời, mở những khóa đào tạo có hệ thống các chuyên viên cấp cứu ngoại viện paramedic.
 
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong một lần giám sát hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115 cho rằng, ngành Y tế thành phố cần có sự đo lường về nhu cầu, sự tín nhiệm của người dân đối với hệ thống cấp cứu 115, đồng thời phát triển rộng rãi thêm hệ thống cấp cứu vệ tinh đến các bệnh viện tư nhân. Hội đồng nhân dân thành phố cũng sẽ thảo luận các chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút nguồn nhân lực cho hệ thống cấp cứu ngoại viện của thành phố./.
  Đinh Hằng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm