Chị Thị Lẹl (đứng) đã cùng đội ghe ngo nữ xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, đoạt nhiều thành tích nổi bật trong những năm qua. |
Hẹn chị Lẹl vào những ngày này thật khó, bởi suốt cả ngày chị phải quần quật để lo chuyện đồng áng của gia đình. Đến lúc chiều tối, khi chị đã lo xong cơm nước cho cả nhà thì chúng tôi mới có dịp tiếp chuyện với chị. Bỏ qua những mệt nhọc sau một ngày lao động vất vả, chị Lẹl say sưa kể cho chúng tôi nghe những tháng ngày chị cùng những chị em khác vùng vẫy trên chiếc ghe ngo với “vũ khí” là những mái chèo...
Chị nhớ như in lần đầu tiên chị thi đấu ghe ngo là vào năm 2007. Chỉ 3 năm sau đó, chị Lẹl vinh dự được các thành viên trong đội bầu làm đội trưởng vì họ cảm phục tài lẫn đức của chị. Từ đó đến nay, “thuyền trưởng” Thị Lẹl đã giúp đội đua ghe ngo nữ xã Xà Phiên tạo được tiếng vang khắp gần xa với nhiều thành tích nổi bật. Chị không nhớ hết số lần mà đội đoạt HCV là bao nhiêu, nhưng 3 lần mà chị nhớ nhất chính là tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI-2010, Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL - Sóc Trăng 2014 và gần đây nhất là tại Lễ hội đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng 2015. Bởi đó đều là những giải đấu lớn, giúp đội đua ghe ngo nữ của tỉnh nhà khẳng định được sức mạnh của mình.
“Để có được những thành tích ấy, chắc mấy chị phải vất vả lắm?”, tôi hỏi. Chị Lẹl trả lời với giọng bùi ngùi: “Đằng sau những chiếc huy chương là nỗi vất vả mà chị em chúng tôi không biết bày tỏ cùng ai. Nhiều chị em trong đội có gia đình rất khó khăn, nhưng họ vẫn tạm gác chuyện mưu sinh để tham gia tập luyện, vì họ yêu môn thể thao truyền thống của đồng bào mình”.
Dù chị Lẹl không nói, nhưng ai cũng hiểu người vất vả nhất chính là người đội trưởng như chị. Mỗi lần có giải đua ghe ngo được tổ chức, chị phải đi khắp đầu trên xóm dưới thuyết phục chị em vào đội. Rồi khi đội bước vào tập luyện hay thi đấu chính thức thì chị phải chạy đôn, chạy đáo để lo chu toàn mọi việc. Nhờ sự năng nổ, nhiệt tình ấy mà chị được toàn đội rất kính phục. Ông Phạm Trung Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Long Mỹ, đánh giá: “Chị Lẹl rất nhiệt tình với nhiệm vụ được giao. Chị sống thật lòng, gần gũi nên luôn được mọi người yêu quý. Điều khó nhất của người đội trưởng là chỉ huy làm sao cho động tác bơi của các thành viên trên ghe luôn đảm bảo về sức mạnh và cả độ nhịp nhàng để có thể giành chiến thắng trước đối thủ. Chị Lẹl đã thực hiện tốt vai trò của mình, góp công lớn vào thành công chung của toàn đội suốt những năm qua”.
Sau ánh hào quang của các giải đấu là hình ảnh một người vợ, người mẹ hết mực yêu chồng, thương con. Là người phụ nữ duy nhất trong gia đình, nên chị Lẹl phải rất vất vả thu xếp mọi việc để có thể dồn hết sức lực và tinh thần vào các giải đấu. Điều đặc biệt là anh Danh Trưởng (chồng chị Lẹl) luôn thấu hiểu và là chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp chị an tâm theo đuổi niềm đam mê với môn đua ghe ngo.
“Đã 44 tuổi rồi, chị có ý định giải nghệ chưa?”, tôi hỏi. Không chút do dự, chị Lẹl trả lời khẳng khái: “Chưa đâu chú ơi, khi nào tôi không còn đủ sức khỏe nữa thì tôi sẽ giải nghệ, còn bây giờ tôi vẫn có thể tiếp tục thi đấu thêm nhiều năm nữa”. Dù tâm huyết với môn đua ghe ngo, nhưng trong thâm tâm của chị Lẹl vẫn đang chồng chất nhiều nỗi trăn trở. Đó là đội đua ghe ngo nữ và cả đội đua ghe ngo nam xã Xà Phiên chưa được quan tâm, đầu tư nhiều về kinh phí trong tập luyện và thi đấu ở các giải. Điều mà chị và nhiều người khác rất mong mỏi là các cấp, các ngành hãy tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho họ tại các giải đấu sắp tới.
Chia tay chị Lẹl khi trời đã sập tối, không khí khá lạnh của tiết trời mùa đông đã bao trùm cả màn đêm. Dường như sự nhiệt huyết với môn đua ghe ngo của chị Lẹl đã có sức lan tỏa mạnh mẽ khiến lòng tôi cảm thấy ấm áp lạ thường. Pha lẫn vào đó là sự cảm phục những người như chị Lẹl, bởi nhờ có họ mà môn đua ghe ngo của Hậu Giang mới tạo được tiếng vang khắp gần xa như hiện nay và cả ở tương lai sau này.
Báo Hậu Giang