Các hợp tác xã ở Kon Tum tìm hướng đi ổn định trong khó khăn do dịch bệnh

Các sản phẩm đa dạng của Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Pô Kô (Đăk Hà, Kon Tum) giúp tăng doanh thu và tạo thu nhập ổn định cho các thành viên. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Các sản phẩm đa dạng của Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Pô Kô (Đăk Hà, Kon Tum) giúp tăng doanh thu và tạo thu nhập ổn định cho các thành viên. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Theo thống kê, hiện tỉnh Kon Tum có 187 hợp tác xã với gần 9.000 thành viên và người lao động. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các đơn vị đã gặp nhiều khó khăn, nhất là tìm đầu ra cho các sản phẩm. Trong bối cảnh đó, các đơn vị kinh tế tập thể đã chủ động thay đổi, cùng với Liên minh Hợp tác xã tỉnh để tìm được hướng đi ổn định, giúp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Các hợp tác xã ở Kon Tum tìm hướng đi ổn định trong khó khăn do dịch bệnh ảnh 1Các hợp tác xã trồng cỏ lạc trong vườn cà phê, vừa giữ chất dinh dưỡng, vừa giảm chi phí đầu tư cho các xã viên. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Pô Kô (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) hiện có 113 thành viên là các hộ nông dân canh tác cà phê trên địa bàn huyện, với tổng diện tích cà phê trên 172 ha. Do dịch COVID-19, đơn vị chưa có sự chuẩn bị trước, nhiều đơn hàng đã bị đình trệ hơn một năm. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt container vận chuyển hàng cũng như giá cước tàu tăng gấp gần 10 lần so với trước khiến sản xuất kinh doanh của hợp tác xã gặp nhiều khó khăn.

Bà Phạm Thị Huyền Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Công Bằng Pô Kô cho biết, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến đơn vị bị ùn vốn, việc thanh toán cho các thành viên bị chậm trễ, khó khăn trong tái đầu tư sản xuất. Ngoài ra, giá cà phê thấp nên doanh thu của các thành viên giảm sút, khiến nhiều thành viên bị giảm động lực sản xuất. Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, hợp tác xã không thể tổ chức các buổi họp tập trung hay tập huấn kỹ thuật cho các xã viên.

Trước khó khăn đó, Hội đồng quản trị Hợp tác xã Công Bằng Pô Kô đã trao đổi với các khách hàng, tìm hướng đi trong bối cảnh dịch; trong đó, tập trung hỗ trợ tối đa cho các khách hàng, giúp họ cảm thấy tin tưởng vào nguồn cung. Nhờ đó năm 2020, trong khi nhiều đơn vị, doanh nghiệp không bán được hàng, song Hợp tác xã Công Bằng Pô Kô vẫn có được hợp đồng với những khách hàng thân thiết. Không những vậy, đơn vị cũng khuyến khích các thành viên trồng thêm các loại cây ngắn ngày khác như: đậu, gừng, chuối, bơ, mít,… trong vườn cà phê. Điều này, giúp giữ lại chất dinh dưỡng trong đất, giảm chi phí phân bón, nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Các hợp tác xã ở Kon Tum tìm hướng đi ổn định trong khó khăn do dịch bệnh ảnh 2Quỹ tín dụng nhân dân huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã giúp các hợp tác xã trên địa bàn huyện được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

“Hiện nay, ngoài việc nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm mới như: cà phê rang xay hay trà gạo lứt, hợp tác xã cũng đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội, để cùng với kênh bán hàng truyền thống tạo ra mạng lưới truyền thông rộng rãi, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách dễ dàng hơn. Cũng nhờ những sự thay đổi kịp thời, tổng doanh thu năm 2020 của hợp tác xã vẫn đạt 18 tỷ đồng, tương đương năm 2019”, bà Huyền Anh cho biết thêm.

Ông Nguyễn Bá Lộc, thành viên Hợp tác xã Công Bằng Pô Kô chia sẻ, những chính sách của hợp tác xã đã và đang phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Cụ thể như cà phê chất lượng cao của gia đình ông đã được hợp tác xã mua với giá cao hơn thị trường từ 2.500 – 3.000 đồng/kg. Đồng thời, hợp tác xã cũng giúp đỡ về kỹ thuật, phân bón đầu tư, bao tiêu sản phẩm; tái đầu tư 1 tấn phân/ha/năm, giúp gia đình ông và các xã viên giảm gánh nặng chi phí, nâng cao giá trị cây trồng.

Còn Hợp tác xã Mắc ca Nhân Hòa, huyện Đăk Tô được thành lập từ tháng 12/2020 với 9 thành viên tham gia, tổng diện tích sản xuất 27 ha; trong đó, có 17 ha mắc ca, còn lại là cà phê và các cây trồng khác. Từ khi thành lập, đơn vị đã được Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn phát triển hợp tác xã kiểu mới; tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm mắc ca; giới thiệu mô hình đến các ban ngành của tỉnh để lập dự án đầu tư, hỗ trợ.

Các hợp tác xã ở Kon Tum tìm hướng đi ổn định trong khó khăn do dịch bệnh ảnh 3Các xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Pô Kô (Đăk Hà, Kon Tum) chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Mắc ca Nhân Hòa cho biết, để cây mắc ca sinh trưởng và phát triển tốt, ông và các xã viên đã tìm hiểu, học hỏi ở nhiều nơi, nhiều tài liệu khác nhau. Đến nay, trong tổng số 17 ha mắc ca của đơn vị, có 3,5 ha đã cho thu hoạch. So với cây cà phê, mắc ca là giống cây trồng mới, song thu hoạch là quả khô, nên quá trình chế biến sẽ dễ dàng hơn. Hiện, sản phẩm hạt mắc ca của hợp tác xã chủ yếu được bán cho các đơn vị làm giống hoặc sấy làm thành phẩm mắc ca.

“Với giá cả như hiện nay, trên cùng một diện tích, mắc ca đang cho thu nhập gấp gần 3 lần so với cà phê. Tuy thời gian để loại cây này cho thu hoạch ổn định là từ 5 – 6 năm, lâu hơn so với cà phê, song chi phí nhân công sẽ rẻ hơn. Hiện nay, tỉnh cũng đã có quyết định hỗ trợ cho đơn vị một máy sấy trị giá khoảng 400 triệu đồng. Cùng với việc tái đầu tư của hợp tác xã, thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa ra thị trường các thành phẩm tinh từ mắc ca, giúp nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho các xã viên”, ông Nguyễn Văn Quyết phân tích.

Song song với nỗ lực của các hợp tác xã, vai trò của các quỹ tín dụng nhân dân cũng rất lớn trong việc mang lại nguồn vốn lãi suất thấp cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân huyện Đăk Hà cho biết, hiện dư nợ cho vay của đơn vị khoảng 40 tỷ đồng với trên 300 thành viên của các hợp tác xã trên địa bàn huyện vay vốn. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, quỹ đã thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh kỳ hạn nợ. Bên cạnh đó, những thủ tục hồ sơ đến hạn, quỹ cũng tạo điều kiện, nhanh chóng để các hộ thành viên tiếp cận, giải quyết cho vay lại kịp thời.

Các hợp tác xã ở Kon Tum tìm hướng đi ổn định trong khó khăn do dịch bệnh ảnh 4Các sản phẩm đa dạng của Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Pô Kô (Đăk Hà, Kon Tum) giúp tăng doanh thu và tạo thu nhập ổn định cho các thành viên. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Theo ông Nguyễn Lâm Cảnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dich bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Các đơn vị kinh tế tập thể đã năng động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thêm, tăng thu nhập cho các thành viên. Bên cạnh những sản phẩm, mặt hàng truyền thống, các hợp tác xã đã sản xuất thêm một số mặt hàng khác, giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị, doanh thu.

Trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, vị trí và bản chất của kinh tế tập thể hợp tác xã kiểu mới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ tiến hành củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã. Đồng thời, thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ về làm việc tại hợp tác xã, nhất là cán bộ quản lý; thực hiện có hiệu quả chính sách đưa cán bộ trẻ, có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại hợp tác xã.

Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tranh thủ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Trung ương cũng như địa phương để đáp ứng nhu cầu về vốn của các hợp tác xã trên địa bàn. Từ đó, giúp các đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm