Các hoạt động với chủ đề “Vui Tết độc lập” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, từ ngày 31/8 đến 3/9/2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thông qua không gian chợ vùng cao, trình diễn các hoạt động dân ca, dân vũ, giới thiệu ẩm thực, sản vật địa phương, vùng miền.

Các hoạt động có sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc đang hoạt động hàng ngày là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Bahnar, Gia Rai, Xê Đăng, Raglai, Ê Đê, Khmer và gần 300 nghệ nhân, đồng bào, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng đến từ các tỉnh thành trên cả nước.

20220902_100708.jpg
Đồng bào các dân tộc vui xuống chợ vùng cao. Ảnh: Hoàng Tâm

Hoạt động điểm nhấn là tái hiện không gian văn hóa chợ vùng cao với chủ đề “Chợ phiên vùng cao - Vui Tết độc lập”. Du khách sẽ được trải nghiệm không khí xuống chợ của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Thái… vui Tết độc lập; chương trình dân ca dân vũ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản địa phương, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống,...

20221231_094644.jpg
Bà con đồng bào dân tộc Dao đi chợ vùng cao. Ảnh: Hoàng Tâm

Tại phiên chợ, đồng bào dân tộc Mông đến từ tỉnh Thái Nguyên sẽ giới thiệu nghệ thuật múa khèn. Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện nghi thức, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi thức lễ hội của dân tộc Mông. Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư, nguyện vọng của mình.

20220902_103437.jpg
Phiên chợ với nhiều loại ẩm thực vùng cao thu hút du khách. Ảnh: Hoàng Tâm

Đồng bào dân tộc Mông cũng sẽ trình diễn giã bánh dày – món bánh cổ truyền của đồng bào trong các dịp lễ, tết. Bánh dày không chỉ tượng trưng cho tình yêu, sự thuỷ chung son sắt của đôi trai gái người Mông mà còn tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên Trái đất. Bánh dày chứa đựng trong đó sự cần cù, chịu thương, chịu khó của con người lao động và các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông.

20221231_100055.jpg
Đồng bào dân tộc Mông biểu diễn nghệ thuật múa khèn. Ảnh: Hoàng Tâm

Ngoài ra, sẽ có chương trình dân ca, dân vũ “Vui Tết độc lập” ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc và các trò chơi dân gian truyền thống tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc, thể hiện sự độc đáo trong đa dạng của văn hóa dân tộc chào mừng ngày Quốc khánh 2/9.

Đặc biệt, đồng bào dân tộc Nùng đến từ tỉnh Thái Nguyên sẽ tái hiện lễ cấp sắc độc đáo của dân tộc mình. Với người Nùng, chỉ có những người làm thầy cúng thì mới được cấp sắc, trước khi được cấp sắc thì người cấp sắc phải đảm bảo rất nhiều yêu cầu, nhiều tiêu chuẩn, phải có đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, khiêm tốn, hòa nhã với mọi người.

20221231_090842.jpg
Đồng bào dân tộc Kháng giới thiệu nghệ thuật truyền thống. Ảnh: Hoàng Tâm

Đồng bào dân tộc Thái đến tỉnh Sơn La sẽ giới thiệu với du khách nghi lễ gội đầu đặc sắc. Nghi lễ gội đầu gắn liền với một truyền thuyết mang bóng dáng của nhân vật lịch sử tồn tại trong mỗi bản làng của người Thái trắng ở Sơn La đó là Nàng Han. Nghi lễ gội đầu thường được tổ chức vào chiều 30 Tết hàng năm. Cầu mong Nàng Han che chở, ban phát cho con người sức khỏe, tình yêu và bản mường yên vui, mùa màng bội thu.

Bên cạnh đó là Ngày hội Văn hóa địa phương “Không gian văn hóa, du lịch tỉnh Bắc Ninh giữa lòng Hà Nội” với các hoạt động trình diễn trò chơi dân gian “Kéo co làng Hữu Chấp” – Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia; Nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư và trưng bày, giới thiệu hiện vật gốc pháo Đồng Kỵ; Chương trình giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – Dân ca Quan họ Bắc Ninh và trưng bày, giới thiệu kiến trúc, hình ảnh làng quê quan họ, sản phẩm đặc trưng, trải nghiệm nghề thủ công truyền thống...

Hoàng Tâm

(̣Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm