Các hoạt động với sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 13 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xê Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) đến từ 12 địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng) và các sinh viên, diễn viên, nghệ sĩ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc; Nhà hát Múa rối Việt Nam; Nhóm bạn trẻ Tây Nguyên đang học các trường Nghệ thuật tại Hà Nội...
Hoạt động điểm nhấn chuyên đề là chương trình "Biển đảo quê hương từ đất liền yêu thương” sẽ mời và đón các thân nhân gia đình chiến sỹ đang công tác tại quần đảo Trường Sa đang có mặt tại Hà Nội, các nhà báo, chiến sĩ, lãnh đạo Đoàn thanh niên Bộ tư lệnh Hải quân, Đoàn khối các cơ quan Trung ương, Đoàn thanh niên một số đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các nhà báo, cựu chiến binh, chiến sỹ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, ca sỹ,... tham quan “Không gian biển đảo trong lòng đồng bào”; Giao lưu, trao đổi về những câu chuyện xúc động, kỷ niệm về những tình cảm từ đất liền với những người lính đảo; tặng quà thân nhân gia đình chiến sỹ đang công tác tại quần đảo Trường Sa.
Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vui hội tại không gian " Ngôi nhà chung". Ảnh: Hoàng Hải |
Ngoài ra còn có hoạt động chuyên đề "Lễ hội mùa xuân". Tái hiện "Lễ trỉa hạt" của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Theo quan niệm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đến đầu mùa rẫy đều tổ chức lễ trỉa hạt để bày tỏ lòng biết ơn đối với thần linh và cầu mong những điều may mắn tốt lành sẽ tới, tai ương qua đi. Tại “Ngôi nhà chung”, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn duy trì tập quán cúng lễ trỉa lúa mở đầu cho một vụ mùa mới tăng gia sản xuất, mưa thuận gió hòa, bà con các dân tộc phấn khởi, chăm lo sản xuất.
Du khách tham gia trò chơi dân gian cùng các em thiếu nhi dân tộc. Ảnh: Hoàng Hải |
Bên cạnh đó, hoạt động cuối tuần “Mùa xuân và Tuổi trẻ” sẽ giới thiệu chương trình “Tháng 3 Tây Nguyên với các bài ca, điệu múa về mùa xuân dân tộc, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Tây Nguyên khi tháng 3 về. Âm hưởng rộn rã của các nhạc cụ Tây Nguyên của các bạn trẻ hứa hẹn sẽ mang tới một sức sống mới, niềm cảm hứng mới. Trong chương trình “Như hoa mùa xuân” tại cánh đồng hoa tam giác mạch, khu các làng dân tộc I, các nghệ sỹ của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ biểu diễn các bài hát về mùa xuân, về vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam để chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3; Ban tổ chức sẽ tạo dựng khung cảnh chụp ảnh về hoa và phụ nữ. Chương trình múa rối nghệ thuật “Vui xuân” với nhiều hình thức biểu đạt của những đôi bàn tay khéo léo của các nghệ sỹ biểu diễn kết hợp với âm nhạc, tạo hình con rối, tạo dáng những nhân vật rối được cách điệu và nhấn mạnh một cách cô đọng, mang đậm chất hồn nhiên, ngây thơ, tạo một không khí vui vẻ, sảng khoái, nhẹ nhàng trong những ngày xuân. Ngoài ra sẽ có chương trình ca múa nhạc “Tuổi trẻ với tình yêu biển đảo quê hương”...
Với các hoạt động văn hóa sôi nổi, hấp dẫn và ý nghĩa, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hy vọng sẽ đón được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và hiểu thêm về nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc anh em trọng cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Hoàng Hải