Các hoạt động tháng 10 chủ đề “Ấn tượng miền Tây” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Các hoạt động tháng 10 chủ đề “Ấn tượng miền Tây” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Từ ngày 1 đến 31/10/2022, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 10 với chủ đề “Ấn tượng miền Tây” nhằm giới thiệu về không gian văn hóa, du lịch miền Tây; các nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Hoạt động tháng 10 có sự tham gia của đồng bào, nghệ sỹ của các dân tộc như Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Bahnar, Xê Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer

Các hoạt động tháng 10 chủ đề “Ấn tượng miền Tây” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ảnh 1Các phật tử thực hiện nghi thức tâm linh tại không gian chùa Khmer. Ảnh: Hoàng Tâm

Chủ đề “Ấn tượng miền Tây” với hoạt động văn hóa nổi bật như Tái hiện lễ Ok Om Bok (lễ cúng trăng) của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh. Lễ hội Ok Om Bok còn có tên khác là lễ hội cúng Trăng, được tiến hành vào ngày 14 và 15 tháng Kađar theo Phật lịch, tức là 14 và 15 (ngày Rằm) tháng Mười âm lịch. Theo quan niệm của người Khmer, Mặt Trăng là vị thần có quyền năng chi phối mùa màng trong canh tác nông nghiệp. Sau khi thu hoạch những sản phẩm đầu tiên của mùa vụ, người ta tiến hành nghi thức cúng tế để tạ ơn thần Mặt trăng đã cho một mùa bội thu, giúp phum sóc no đủ. Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer Nam Bộ, trong đó có lễ hội Ok Om Bok Trà Vinh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015.

Các hoạt động tháng 10 chủ đề “Ấn tượng miền Tây” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ảnh 2Dàn nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer. Ảnh: Hoàng Tâm

Ban Tổ chức sẽ giới thiệu nghệ thuật Chầm riêng Chà pây - Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia của dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh. Theo tiếng Khmer, "Chầm riêng" có nghĩa là hát, "Chà pây" là tên gọi của một loại đàn, được dùng để đệm sau mỗi đoạn hát. Cả cụm từ “Chầm riêng Chà Pây” có nghĩa là "đàn ca" hay "ca kể chuyện". Ngoài ra, loại nhạc cụ này còn được dùng trong nhạc lễ, nhạc cưới và cúng tế thần (gọi là "Chà pây đơn vênh") hoặc được sử dụng để đệm cho hát múa “À day” đối đáp (song ca nam nữ đối đáp).

Ngoài ra, sẽ có lễ dâng y Kathina của đồng bào Khmer. Đây là một nghi thức duy trì hằng năm duy nhất của Phật giáo có từ thời Đức Phật còn tại thế. Đối với những người dân theo Phật giáo Nguyên thủy, lễ dâng y Kathina mang một ý nghĩa hết sức to lớn, vừa thể hiện thiện tâm của người phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn, vừa tạo nên niềm vui lớn trong mùa lễ hội cho người phật tử tại gia đồng thời Lễ dâng y Kathina cũng còn nhắc nhở cho tứ chúng, cả hàng phật tử xuất gia và tại gia, luôn nhớ về và trân trọng tấm lòng của đàn tín.

Các hoạt động tháng 10 chủ đề “Ấn tượng miền Tây” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ảnh 3Nghi thức đắp núi cát của đồng bào Khmer trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây. Ảnh: Hoàng Tâm

Tại Không gian điểm nhấn văn hoá đặc trưng dân tộc Khmer Nam Bộ tại “Ngôi nhà chung” sẽ Giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng dân tộc Khmer và Giới thiệu bộ sưu tập ảnh “Ấn tượng miền Tây” và các ấn phẩm du lịch tỉnh Trà Vinh. Giới thiệu, quảng bá về các sản phẩm du lịch, các hình ảnh vùng đất, con người Trà Vinh thông qua sách hướng dẫn du lịch, tờ gấp, tờ rơi, tranh ảnh, poster…

Trong khuôn khổ các hoạt động của tháng 10, đồng bào dân tộc Nùng sẽ tái hiện Lễ quét nhà cầu an. Làm lễ cúng quét nhà là bắt buộc đối với tất cả các gia đình người Nùng với ý nghĩa quét những cái xấu của năm cũ đi ra khỏi nhà để đón cái mới của mùa xuân về. Lễ quét nhà cầu an của người Nùng vừa đặc sắc về hình thức lại vừa chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống cổ truyền.

Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần của 13 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Hoàng Tâm 

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm